Về làng Ông Hảo ngắm đồ chơi trung thu

Thuở bé cứ mỗi khi sắp đến Rằm tháng Tám, tôi cùng lũ bạn lại kéo nhau sang làng Ông Hảo để xem làm đồ chơi trung thu. Dạo ấy bọn trẻ con chẳng khi nào chịu cuốc bộ…

Những chiếc mặt nạ đã hoàn thiện.

Những chiếc mặt nạ đã hoàn thiện.

Lai lịch tên làng

Ngày đó, từ làng Bần Yên Nhân, chúng tôi thường hò nhau cởi trần, buộc túm quần áo lại, giơ cao quá đầu, rồi bơi ngửa qua con sông nhỏ, lên tới bờ thì núp bên cánh lúa, vừa nhìn trước nhìn sau vừa mặc lại áo quần, rồi đi qua mấy ruộng lúa để đến làng Ông Hảo.

Dịp tháng Tám này tôi lại về làng Ông Hảo. Ngoại trừ cổng làng còn giữ dáng vẻ xưa chứ đường vào làng giờ như một dãy phố với hai bên là những cửa hàng cửa hiệu san sát, đa phần là dịch vụ cho công nhân mấy khu công nghiệp gần đó. Tôi cho xe chạy chầm chậm cốt là để tìm lại dấu xưa, tìm xem xem còn nhà nào đang làm đồ chơi trung thu vì nghe nói rằng ở làng vẫn còn người làm nghề.

Tiếp chuyện tôi tại đình Làng Hảo là ông Vũ Văn Khay, người mà 13 năm trước khi làm Trưởng thôn, đã có công vận động dân làng xây dựng lại ngôi đình này, ông Khay cho hay: Quãng hơn 300 năm trước khắp vùng phía bắc tỉnh Hưng Yên là nơi đồng trũng, lau sậy um tùm, thôn làng thưa thớt. Vào thời đó có 3 người đàn ông không rõ từ đâu tới, là các ông: Hảo, Tố và Đình. Có thể họ là 3 người bạn học hoặc có thể là anh em, được Triều đình ban cho về đây khai cơ lập làng. Làng Ông Hảo ra đời từ đó và làng Ông Tố (còn gọi là làng Đọ) hình thành ở xã Trai Trang, cả hai làng này đều thuộc huyện Yên Mỹ ngày nay. Riêng tên Ông Đình hiện được đặt cho xã Ông Đình bên huyện Khoái Châu gần đó. Cả 3 ông đều được dân làng tôn là Thành Hoàng làng và được thờ tại đình.

Làng Ông Hảo nói ở đây nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Mãi sau này khi lớn lên tôi được biết làng Ông Hảo chính là quê hương của “Vua phóng sự đất Bắc kỳ” - nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Nhớ lúc tôi dừng xe hỏi đường đến gặp ngay cô gái trẻ đang lúi húi bán đồ ăn sáng cũng ngẩng lên góp “Làng cháu cả làng đều mang họ Vũ”. “Đúng vậy!” - ông Vũ Văn Khay khẳng định. Không rõ những người mang họ Vũ theo ông Hảo đến đây sinh cơ lập nghiệp như thế nào nhưng họ Vũ ở đây cứ sinh tồn và phát triển theo thời gian. Thuở trước họ Vũ làng Ông Hảo có tới 7 chi nhưng giờ còn lại 3 chi là: Chi họ Vũ Văn, Vũ Đức và Vũ Huy.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng là người con của chi họ Vũ Văn. Ngôi nhà ông Vũ Văn Khay mời tôi tới thăm hiện là nhà thờ họ của chi họ Vũ Văn. Ông Vũ Văn Khay là trưởng tộc nên sau khi chia đất cho 4 người con trai để làm nơi ở, phần đất còn lại ông Khay dựng 3 gian nhà làm nơi thờ tự chi họ Vũ Văn. Nhà văn Vũ Trọng Phụng được thờ ở đây.

Cơ sở sản xuất đồ chơi trung thu của gia đình ông Vũ Huy Đông.

Cơ sở sản xuất đồ chơi trung thu của gia đình ông Vũ Huy Đông.

Giữ nghề vì yêu trẻ

Từ khi lập làng người dân làng Ông Hảo chăm chỉ làm ruộng, những lúc nông nhàn thì có thêm nghề phụ, đó là nghề làm đồ chơi trung thu bán vào dịp trăng tròn.

Tôi góp thêm: “Hồi bé em thường bơi qua sông sang làng mình xem làm đồ chơi trung thu đấy”. Nghe tôi nói thế nét mặt ông Khay rạng rỡ hẳn lên. Ông mời tôi đi thăm làng, tới xem những người thợ của làng làm mặt nạ đồ chơi trung thu. Vừa đi tôi vừa nhớ lại, thuở bé xưa ấy mỗi khi sang làng Ông Hảo ngoài ngắm nghía ra tôi còn tâm niệm một điều trong đầu là lân la để học lỏm người ta làm mặt nạ. Học lỏm là phải thôi vì hồi đó trẻ con chẳng đứa nào có tiền cả, muốn có một chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không hay Trư Bát Giới thì chỉ còn có mỗi cách là tự làm lấy mà chơi thôi.

Đã tới nhà ông Vũ Huy Đông, thật may đang là “thời vụ” nên tôi được thoải mái chiêm ngưỡng và hỏi về chuyện làm đồ chơi trung thu. Tuy được gọi là làng đồ chơi trung thu nhưng sản phẩm của làng đa phần là mặt nạ và trống trung thu. Nếu như xưa là mặt nạ lấy mẫu từ chuyện Tây Du Ký thì nay mẫu mã đa dạng hơn. Ông Đông cho biết: “Mẫu mặt nạ hiện được trẻ em khắp nơi yêu thích là những mẫu có tích từ truyện dân gian Việt Nam, đó là những con vật thân gần với trẻ nhỏ như: Chó, mèo, nai, hươu... Còn với nhân vật thì là: Chú cuội, thằng bờm, chú tễu...”.

Sản phẩm trống được các em nhỏ yêu thích.

Sản phẩm trống được các em nhỏ yêu thích.

Được biết, đồ chơi trung thu của làng Ông Hảo thường tập trung vào mặt nạ và trống (thứ trống mặt da trâu, tang gỗ bồ đề hay gỗ mỡ, cỡ nhỏ tầm tay trẻ em). Trong đó đồ chơi mặt nạ được làm bằng nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường, nghĩa là nguyên liệu sản xuất là những tờ bìa phế liệu, giấy A4 đã qua sử dụng, những trang báo cũ.

Người thợ chỉ việc phết hồ nấu từ củ sắn xay thành bột lên khắp tờ bìa hay giấy báo rồi bồi vào khuôn mẫu làm bằng xi măng. Bồi đủ 3 lớp thì dỡ khỏi khuôn mẫu và đem phơi gió cho khô. Sau đó thì hoàn thiện bằng cách tô màu. Ông Đông nói thêm: “Ngay đến sơn để tô vẽ màu cho mặt nạ hay đầu sư tử cũng là thứ sơn không dầu. Do vậy sản phẩm không có mùi dầu, trẻ em có đeo vào mặt hay đội lên đầu cũng rất an toàn”.

Nhìn một lượt các sản phẩm đồ chơi trung thu đang hoàn thiện hay đang phơi khắp mặt mảnh sân nhà, tôi nhận thấy các mẫu mã đều vui nhộn, đầy không khí trung thu. Và quan trọng nhất là đều làm thủ công. Tôi nói: “Sao mình không làm hàng loạt bằng máy cho tăng năng suất?”. Ông Đông trả lời: “Làm thủ công nó có hồn hơn vì chúng tôi đã gửi gắm tình cảm của mình vào đó. Trẻ con nó tinh lắm, chúng không thích những thứ đồ chơi vô cảm”.

Nghe ông Đông nói vậy tôi mới nhớ ra, chính đồ chơi trung thu làm bằng nhựa, sản xuất hàng loạt của Trung Quốc từng một dạo "làm mưa làm gió" trên thị trường thì nay phải nhường lại cho đồ chơi trung thu truyền thống. Như ông Đông cho hay thì sản phẩm của làng làm ra đến đâu người khắp nơi đến thu gom hết, nhất là các cửa hàng trên phố Hàng Mã (Hà Nội). Cứ vài ba ngày họ lại đánh xe ô tô về gom hàng. Ông Đông bảo: “Năm nay sản phẩm trống phục vụ trung thu chúng tôi sản xuất không đủ nhu cầu”.

Đầu lân sư tử không thể thiếu mỗi mùa trung thu.

Đầu lân sư tử không thể thiếu mỗi mùa trung thu.

Tôi hỏi thêm: “Làm đồ chơi trung thu có khó không bác?”. Ông Đồng nói: “Dễ thôi mà. Chỉ cần yêu nghề, yêu công việc mình làm là làm được”. Thật đúng là câu trả lời chân thật và đúng với cốt cách người thợ. Yêu nghề, yêu công việc tức là yêu trẻ em, tôi đã nhận ra điều đó khi ngắm nét mặt đôn hậu, cởi mở của ông Đông, của bà Hạnh, của anh Đảm, của anh Hải.

Lại nói về thu nhập từ nghề này, ông Đồng cho hay: “Với người nhà quê chúng tôi thì thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng là ổn”. Tôi à lên khi hiểu ra: “Có ai tính chuyện làm giàu từ đồ chơi trung thu đâu. Hễ trẻ em còn thích, còn yêu là được. Thảo nào đã 3, 4 đời rồi mà người làng Ông Hảo vẫn say mê giữ nghề cho trẻ em vui chơi đón trăng tròn”.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ve-lang-ong-hao-ngam-do-choi-trung-thu-5739778.html