Về thăm làng tỷ phú nhờ nghề nuôi rắn
Để mục sở thị cách trở thành tỉ phú nhờ nuôi rắn độc, chúng tôi đã về thăm 'thủ phủ' nuôi rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Vĩnh Sơn hôm nay không còn là ngôi làng thuần nông vốn có mà mang dáng dấp một khu phố sầm uất, nhộn nhịp, san sát những dãy nhà cao tầng, cửa hàng kinh doanh chẳng khác chốn thành thị.
Lãi trăm tỉ đồng trong năm 2024
Hằng năm, Vĩnh Sơn cung cấp khoảng 250 tấn rắn thịt thương phẩm và khoảng 3-4 triệu quả trứng giống cho thị trường trong và ngoài nước, đem về nguồn lợi khổng lồ. Nghề nuôi rắn bao đời nay đã giúp không ít hộ dân ở đây thoát nghèo và trở thành những “tỉ phú”. Điều đáng mừng nữa, trong những năm gần đây nhờ chủ trương của Nhà nước duy trì phát triển làng rắn, nhân dân trong xã được hỗ trợ vốn trong chăn nuôi rắn thông qua các hình thức vay ưu đãi… Bên cạnh đó là nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ do Viện Công nghệ Sinh học, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc chủ trì thực hiện đã đạt kết quả tốt, có khả năng ứng dụng cao, góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững làng nghề nuôi rắn truyền thống.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hạ Văn Trường, cán bộ thống kê xã Vĩnh Sơn cho biết, toàn xã có trên 1.400 hộ dân thì gần một nửa trong số đó làm nghề chăn nuôi rắn hổ mang bành sinh sản và thương phẩm. Tổng số cá thể rắn nuôi trên toàn xã trong năm 2024 vào khoảng 231.000 con. Trong đó, rắn thương phẩm xuất bán khoảng 80 tấn với giá trị ước đạt 53 tỉ đồng; trứng rắn xuất bán ước đạt 52 tỉ đồng. Thu nhập từ trứng rắn và rắn thương phẩm đã mang lại lợi nhuận cho bà con là hơn 100 tỉ đồng. Quả là một con số ấn tượng.
Ngược dòng lịch sử, theo lời kể của những cao niên, làng nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đã có từ lâu đời và đặc biệt không gắn liền với bất cứ truyền thuyết dân gian, sự tích ly kỳ nào liên quan đến rắn như ở nhiều vùng quê Bắc Bộ. Sở dĩ nói vậy vì nhiều nơi có tục thờ cặp rắn thần “ông Cộc, ông Dài” với mong muốn mang lại sự yên bình, no ấm, mùa màng tươi tốt. Hay như làng rắn Lệ Mật ở Hà Nội cũng có truyền thuyết liên quan đến rắn vì vị thành hoàng làng được thờ hiện nay đã có công diệt trừ thủy quái hình rắn trên sông Đuống để cứu công chúa con Vua Lý Thánh Tông...
Vùng đất Vĩnh Sơn xưa có tên gọi cổ là Sơn Tang hay Hai Nước, vốn là một vùng rậm rạp hoang sơ, là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loài rắn độc, thú dữ. Vào những dịp nông nhàn, thanh niên trai tráng trong làng thường đi tìm bắt rắn về bán cho những người giàu có để ngâm rượu, làm thuốc và làm thực phẩm. Dần dà từ việc săn bắt rắn, người dân Vĩnh Sơn mày mò tự nuôi rắn, làm thịt và chế biến rượu rắn… Cứ như vậy theo thời gian, kinh nghiệm đó đã được đúc kết và truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề đặc trưng của người dân làng Vĩnh Sơn hôm nay.
Tiếp thêm câu chuyện lịch sử làng nghề đầy tự hào, ông Hà Văn Tăng, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của xã đưa chúng tôi xem tấm ảnh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm trại rắn giống thôn Vĩnh Sơn vào năm 1982 và một tấm ảnh nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm trang trại vào năm 2000. Điều đó cho thấy làng nghề này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm từ lâu.
Bước đột phá kinh tế đi vào lịch sử địa phương chính thức là từ năm 1979. Trong thời kỳ bao cấp nhiều khó khăn, Vĩnh Sơn đã xây dựng được trại nuôi rắn hàng nghìn con các loại, với số lượng lao động gần 20 người. Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành, trại rắn đã cho ra đời những sản phẩm nổi tiếng như rắn sinh sản và rắn thương phẩm, nọc rắn, cao rắn, rượu rắn cổ truyền… Chính nơi đây đã cung cấp nguồn rắn cho Xí nghiệp Dược phẩm Vĩnh Phúc (cũ) để sản xuất dược liệu và chế biến rượu rắn; đồng thời cũng đã từng cung cấp nọc rắn với số lượng khá lớn cho thị trường Đông Âu vào trước những năm 1990-1991. Từ sau khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, trại nuôi rắn Vĩnh Sơn dần teo tóp và nghề nuôi rắn tại hộ gia đình lại có cơ hội khôi phục và phát triển. Mới đầu chỉ có vài hộ nuôi rắn trong vườn nhà như gia đình ông Học, ông Tục, ông Ban, bà Son… nhưng đến nay đã lan rộng gần như toàn xã.
Năm 1994, nghề nuôi rắn đã được Nhà nước công nhận tính hợp pháp. Qua năm 1995, được sự giúp đỡ của Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam về quy trình kỹ thuật ấp nở và chăm sóc, người dân Vĩnh Sơn đã nuôi thành công loài rắn hổ trâu, hổ mang và hổ mang chúa sinh sản. Đến năm 2000, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo hành lang pháp lý (xác nhận rắn nuôi) cho những người nuôi rắn và thương lái buôn bán được thuận lợi trong quá trình vận chuyển rắn đến nơi tiêu thụ.
Hiệu quả kinh tế cao
Có thể nói con rắn đối với người dân Vĩnh Sơn rất quan trọng, ngoài giá trị kinh tế, còn là vị thuốc để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và chế biến các món ăn đặc sản. Chính vì vậy, chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ rắn đã đem lại việc làm, nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong xã. Bên cạnh đó, nuôi rắn còn góp phần bảo tồn nguồn gen rắn, gìn giữ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Để duy trì và phát triển nghề chăn nuôi và chế biến rắn cổ truyền, ngày 24-11-2006, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã công nhận làng nghề rắn Vĩnh Sơn đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. Đây là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển làng nghề của xã Vĩnh Sơn trong giai đoạn mới.
Được đến thăm trang trại nuôi 3.000 con rắn hổ mang của chị Nguyễn Thị Hòa, chúng tôi khá ngạc nhiên khi người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp này cứ như đang “múa” trước hàng trăm con rắn hổ mang đang thở “phì phì”, bành mang một cách hung dữ khi được cho ăn.
Bước chân vào đây chúng tôi cảm nhận rõ cái mùi nồng nồng của rắn khắp nơi. Mỗi “hang” rắn là các chuồng có diện tích 35-40cm, đủ cho một con rắn cuộn tròn ở trong. Thật lạ, chuyện nuôi rắn lại nhàn hơn cả... nuôi gà là có thật. Chi phí làm hang cũng không tốn kém là bao. Chỉ cần ốp hai hàng gạch chỉ vào tường rồi chia thành các ô vuông nhỏ, như ngăn đựng đồ tại các siêu thị, một thanh gỗ được chèn trước cửa hang như một cái khóa là xong một cái hang hoàn chỉnh. Thức ăn chính của loài động vật này chủ yếu là gà con, vịt con; nhiệt độ môi trường thích hợp nhất là 25-300 C. Một chu kỳ nuôi rắn thịt thường phải mất trên 2 năm, khi đó rắn mới đạt trọng lượng từ 2kg trở lên với giá bán tùy từng thời điểm dao động khoảng 550.000 - 600.000 đồng/kg. Trứng rắn có giá dao động 50.000 -70.000 đồng/quả và trung bình mỗi ổ trứng có 25-40 quả. Rắn mẹ càng trưởng thành, kích thước trứng càng lớn và số trứng đẻ ra cũng nhiều hơn. Trứng rắn sau khi thu hoạch, một phần sẽ đem bán, một phần sẽ giữ lại và vùi vào cát ấm với nhiệt độ thích hợp để cho ra lứa rắn giống tiếp theo.
Dù đứng cách xa dãy lồng, song chúng tôi cũng phải dè chừng bởi rắn lúc nào cũng chực chờ lao ra kèm tiếng “phì, phì” đáng sợ. Hỏi chuyện về những rủi ro trong nghề, người phụ nữ này cho biết, hơn 20 năm trong nghề, chị cũng từng bị một cú đớp vào tay phải lên bệnh viện cấp cứu. Còn những lần rắn phun chất độc từ xa vào da, vào vùng gần mắt gây cay xè thì không nhớ hết. Theo kinh nghiệm của chị Hòa, nếu không may bị rắn cắn phải sơ cứu nhanh nhất có thể bằng cách nặn thật nhiều máu khu vực bị cắn để thải độc, nếu chậm trễ người nuôi có thể bị hoại tử vĩnh viễn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi nặn máu, cần nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị. Cùng với đó, khi tiếp xúc và cho ăn, người nuôi phải đeo kính bảo hộ, tránh việc rắn phun độc vào mắt.
Ấy vậy, chuyện tai nạn cũng chỉ là hi hữu, nó không đến mức đáng sợ như nhiều youtuber, tiktoker về đây câu view, giật title là thứ nghề “tử thần”. Dân nuôi rắn có nhiều kinh nghiệm và cũng có nhiều phương pháp để tự bảo vệ bản thân, đâu dại mà “liều”, làm xiếc trước loài rắn độc như các nghệ sĩ thổi sáo thôi miên hổ mang chúa đến từ Ấn Độ, Arập... Trò chuyện một lúc, chị Hòa cũng hồ hởi chia sẻ rằng tình hình kinh doanh năm nay của nhà chị cũng khá. Trừ tất cả chi phí đã bỏ ra, chị thu về ngót 1 tỉ tiền lãi.
Hằng năm, Vĩnh Sơn cung cấp khoảng 250 tấn rắn thịt thương phẩm và khoảng 3-4 triệu quả trứng giống cho thị trường trong và ngoài nước, đem về nguồn lợi khổng lồ. Nghề nuôi rắn bao đời nay đã giúp không ít hộ dân ở đây thoát nghèo và trở thành những “tỉ phú”.
Kỳ vọng trong năm con rắn
Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi rắn như chị Hòa hay nhiều hộ dân khác rõ là vậy, tuy nhiên, quá trình chăn nuôi, phát triển thương hiệu làng nghề rắn Vĩnh Sơn cũng gặp một số khó khăn. Đến thăm nhà hàng Hải rắn ở thôn 4 Vĩnh Sơn của vợ chồng anh chị Hải, Hương, được biết 1, 2 năm nay tình hình kinh doanh nhà hàng có sự sụt giảm so với các năm trước, thậm chí còn không bằng lúc diễn ra đại dịch Covid-19.
Nguyên nhân theo anh Hải là do tình hình kinh tế khó khăn, đặc sản thịt rắn cũng rất kén khách phần vì giá cả đắt so với các món nhậu khác và nhiều người còn sợ sệt, kiêng ngại, thậm chí chưa động đũa bao giờ. Ở Việt Nam rất ít người biết ăn thịt rắn, một số người biết ăn thì mua về ăn một lần và có khi cả chục năm sau mới ăn lại món đặc sản này. Nhưng bên Trung Quốc lại khác hoàn toàn. Thịt rắn là thực phẩm rất được ưa chuộng. Họ biết được công dụng của rắn trong việc chữa được nhiều bệnh khác nhau nên chế biến thành đủ món, từ rượu rắn, cao rắn, bột rắn cho tới cháo rắn, súp rắn, rắn chiên xào...
Theo anh Hải, sản phẩm rắn Vĩnh Sơn hiện vẫn chủ yếu được thương lái Trung Quốc thu mua và phụ thuộc nhiều vào thị trường này, chỉ một số rất ít được tiêu thụ tại thị trường trong nước, nên giá cả không ổn định. Bởi thế đã từng có chuyện cách đây khoảng 20 năm làng rắn Vĩnh Sơn suýt phải bỏ nghề vì đại dịch SARS ở Trung Quốc, thương lái không mua làm người dân điêu đứng, nhiều người không biết làm gì để kiếm sống ngoài nghề nuôi rắn.
Anh Hải cũng cho biết thêm, việc buôn bán trứng rắn vào dịp sinh sản tháng 5 là thời điểm được giá nhất, còn các sản phẩm chế biến từ rắn thì chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế kinh tế và giá trị trong y học, nên giá trị gia tăng chưa phát huy hết.
Tạm gác lại câu chuyện buồn vui, thăng trầm trong nghề. Anh Hải vẫn lạc quan tin rằng, bước sang năm Ất Tỵ, làng rắn Vĩnh Sơn sẽ tiếp tục khởi sắc.
Vĩnh Sơn có trên 1.400 hộ dân thì gần một nửa trong số đó làm nghề chăn nuôi rắn hổ mang bành sinh sản và thương phẩm. Tổng số cá thể rắn nuôi trên toàn xã trong năm 2024 vào khoảng 231.000 con. Thu nhập từ trứng rắn và rắn thương phẩm đã mang lại lợi nhuận cho bà con là hơn 100 tỉ đồng.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ve-tham-lang-ty-phu-nho-nghe-nuoi-ran-723287.html