Về vùng rau an toàn
Rau màu là nhu cầu thực phẩm lớn đối với thực đơn hàng ngày của mọi người, vì thế đảm bảo nguồn thực phẩm này sạch là bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Nhiều năm qua, thị xã Phú Thọ đã quy hoạch sản xuất rau an toàn thành các vùng lớn, phù hợp với sản xuất nông nghiệp cận đô thị hiện đại, thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ, tạo tiền đề cho ngành Nông nghiệp của thị xã xây dựng các vùng chuyên canh khác.
Lâu nay, làng Phú Lợi ở thị xã Phú Thọ nổi tiếng là vùng trồng rau màu với diện tích lớn cung cấp rau, củ, quả cho khắp các chợ trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trường Thịnh thành lập đã liên kết người dân trong làng Phú Lợi cùng sản xuất rau an toàn, giúp sản phẩm rau ngày càng nâng cao chất lượng, ổn định đầu ra. Nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, các thành viên HTX được tập huấn nâng cao trình độ, kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất an toàn với các quy tắc nghiêm ngặt về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sinh học, hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
Đến nay, vùng trồng rau màu của HTX đã được cấp mã số vùng trồng với hơn 10ha. Các sản phẩm của HTX sản xuất ra hiện được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ thị xã và các chợ lân cận, các nhà hàng, bếp ăn của một số trường học trên địa bàn. Thời gian tới, HTX tiếp tục đồng hành cùng các hộ thành viên học tập kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Vũ Xuân Phượng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trường Thịnh cho biết, hiện nay, HTX đang có gần 60 hộ thành viên liên kết sản xuất rau an toàn, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập hơn 6 triệu/người/tháng. Để có các loại rau an toàn, chất lượng, HTX đã đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả cơ sở sơ chế, bao gói và tiêu thụ rau gia vị đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các bước quy định của tiêu chuẩn VietGAP từ khâu làm đất, nguồn nước, phân bón, trồng, phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế...
Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các tiêu chuẩn chất lượng an toàn trong sản xuất ngày càng được quan tâm. Toàn thị xã hiện có hơn 15ha rau màu được cấp mã số vùng trồng. Việc được cấp mã số vùng trồng đã giúp bà con nông dân chuẩn hóa quy trình chăm sóc, quản lý cây trồng, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, hiệu quả sản xuất rau ngày càng được nâng cao theo hướng hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, việc phát triển các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thị xã vẫn còn một số khó khăn như: Quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu liên kết, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ ổn định theo chuỗi, việc liên kết giữa phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến thiếu chặt chẽ, diện tích được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn còn thấp; năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn khó khăn.
Để khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế sẵn có, ngành Nông nghiệp thị xã tập trung ưu tiên phát triển các giống rau đặc sản, bản địa, sản xuất theo hướng hữu cơ, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng, tiếp cận thị trường, thông tin về sản phẩm; thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau nội địa và hướng tới xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất và bảo vệ sức khỏe cộng đồng...
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ve-vung-rau-an-toan-218303.htm