Vết nứt khổng lồ ở 'khu vườn khép kín' của Apple
Cáo buộc coi thường tòa án mới nhất của Apple cho thấy một lỗ hổng ngày càng lớn trong 'khu vườn khép kín' mà hãng vẫn luôn tự hào là phép màu kinh tế.

Để tăng khả năng giữ chân người dùng, khái niệm khu vườn khép kín (Walled Garden) được Apple và Tim Cook phát triển bắt đầu xuất hiện.
Tên gọi này bắt nguồn từ việc Táo khuyết kiểm soát quá chặt chẽ các ứng dụng trên App Store, khiến người dùng và nhiều bên thứ ba gặp bất lợi. Cách làm này đã gặp nhiều chỉ trích và thậm chí đã khiến CEO Tim Cook phải hầu tòa do một tranh chấp với Epic Games.
Giờ đây, di sản đó đang gặp rủi ro — có lẽ là một mối đe dọa lớn hơn đối với hoạt động kinh doanh của công ty so với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Phép màu kinh tế
Từ khi ra mắt vào năm 2008, App Store được vận hành gần như giống nhau trên khắp 175 quốc gia, kể cả phí hoa hồng 30% với nhà phát triển trên mỗi giao dịch ứng dụng.
Năm 2021, CEO Tim Cook thừa nhận App Store là "phép màu kinh tế" khi mang về doanh thu hơn 1.000 tỷ USD, giúp tạo ra hơn 7 triệu việc làm và đóng góp hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm cho Apple.
Trong năm tài chính gần đây nhất của Apple, doanh thu dịch vụ đó gần 100 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu công ty.
Khi App Store lần đầu xuất hiện, đồng sáng lập Apple Steve Jobs cho biết mức phí 30% là "món hời" bởi mọi nhà phát triển có thể phân phối app đến từng chiếc iPhone. Tuy nhiên theo thời gian, các lập trình viên phàn nàn mức phí quá cao, khiến cơ quan quản lý vào cuộc.

Hệ sinh thái khép kín của Apple đôi lúc gây ức chế cho nhiều người. Ảnh: Slate.com.
Năm 2019, Spotify đệ đơn khiếu nại Apple tại châu Âu, cáo buộc công ty có hành vi phản cạnh tranh khi cấm app nghe nhạc quảng bá cổng thanh toán ngoài. Một năm sau, Epic Games, nhà phát hành trò chơi Fortnite, kiện Apple lên tòa án liên bang Mỹ với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền.
Kể từ đó, lập trình viên tại nhiều quốc gia gây sức ép. Năm 2021, Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên phản ứng bằng cách thông qua quy định bắt buộc mọi kho ứng dụng cho phép cổng thanh toán thay thế.
Apple đã nới lỏng chính sách để tuân thủ quy định, nhưng yêu cầu lập trình viên trả 26% dựa trên doanh thu cho công ty. Đương nhiên, nhà phát triển không hài lòng với con số này.
Khi đó, đại diện cơ quan quản lý Hàn Quốc cho rằng chính sách của nhà sản xuất iPhone không phù hợp mục tiêu của quy định, dọa sẽ phạt công ty 15,4 triệu USD. Trong khi đó, phía Táo khuyết không đồng ý, khẳng định các thay đổi đều tuân thủ luật pháp.
Cách tiếp cận trên cũng được Apple áp dụng tại Mỹ. Trong vụ kiện với Epic Games, CEO Tim Cook cho rằng việc mở cửa cổng thanh toán ngoài "sẽ tạo ra mớ hỗn độn".
"Chúng tôi sẽ phải tạo ra hệ thống khác để lập hóa đơn cho nhà phát triển", Cook cho biết. Ông khẳng định Apple sẽ tiếp tục tính phí hoa hồng.
Lỗ hổng trong "khu vườn khép kín" của Apple
Năm 2021, thẩm phán Rogers trong vụ kiện phán quyết Apple phải cho phép nhà phát triển ở Mỹ sử dụng cổng thanh toán ngoài. Táo khuyết chấp nhận thay đổi, nhưng ai sử dụng giải pháp này phải nộp phí 27% dựa trên doanh thu.
Trước phản ứng của nhà phát triển, đại diện Apple cho biết được giữ quyền thu phí, và giải pháp mở cổng thanh toán ngoài đáp ứng yêu cầu của tòa án. Về phía ngược lại, Epic Games nộp đơn khiếu nại, nhưng đã bị tòa bác bỏ.
Đối với bà Rogers, những quyết định đó của Apple đã vi phạm lệnh cấm ban đầu. Thậm chí, vị thẩm phán hôm 30/4 đã kết luận hãng vi phạm phán quyết chống độc quyền trước đó liên quan đến hạn chế thanh toán trên App Store. Thậm chí, vụ việc còn bị chuyển cho các công tố viên liên bang để điều tra hình sự về tội coi thường tòa án – một trường hợp được tờ WSJ đánh giá là rất hiếm gặp.
"Apple cố ý không tuân thủ lệnh cấm của tòa án này", thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers không ngần ngại chỉ trích nhà sản xuất iPhone. Bà thậm chí còn cáo buộc Táo khuyết làm vậy với "ý định rõ ràng là tạo ra các rào cản chống cạnh tranh mới".

Thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers cho rằng Apple vi phạm phán quyết chống độc quyền liên quan đến hạn chế thanh toán trên App Store. Ảnh: Reuters.
Nghiêm trọng hơn, thẩm phán Rogers cho rằng CEO Apple Tim Cook đã phớt lờ lời khuyên từ cấp phó lâu năm Phil Schiller về việc tuân thủ lệnh cấm. Thay vào đó, ông đã lựa chọn nghe theo nhóm tài chính. "Cook đã lựa chọn tồi", vị thẩm phán nói.
Theo WSJ, thực tế bất kỳ ai theo dõi các phiên điều trần vào năm 2021 đều nghe thấy rằng những người trong Apple không hài lòng với sự can thiệp của thẩm phán. Lời khai và hồ sơ sau đó còn cho thấy Tim Cook không muốn nhượng bộ bất kỳ điều gì.
Các nhân viên tài chính của Apple được cho là đã ước tính việc cho phép các nhà phát triển liên kết ra ngoài để có phương thức thanh toán thay thế trên App Store có thể khiến hãng thiệt hại hàng tỷ USD.
Đứng trước thiệt hại tài chính này, Táo khuyết có lẽ đã chọn cách "lách luật". Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa những nỗ lực để giữ vững "khu vườn khép kín" có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của Apple và thậm chí là đảo lộn kế hoạch tổng thể mà Tim Cook từng vạch ra.
Nguồn Znews: https://znews.vn/vet-nut-khong-lo-o-khu-vuon-khep-kin-cua-apple-post1550714.html