Vì sao cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường?

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nhằm giảm mức tiêu thụ và các tác hại của đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường, đối với sức khỏe.

Khái niệm về đồ uống có đường và nước giải khát có đường

Đồ uống có đường (ĐUCĐ), theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là tất cả các loại đồ uống không cồn có chứa đường tự do. Đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được thêm vào thực phẩm và đồ uống bởi nhà sản xuất, người chế biến, hoặc người tiêu dùng; và đường tự nhiên có trong siro, mật ong, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc. Các loại đường vẫn được bao bọc trong thành tế bào như trong trái cây nguyên hạt, đường tự nhiên trong sữa thì không được phân loại là đường tự do.

Nước giải khát (NGK), theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019, là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát, được chế biến từ nước, có thể chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vitamin và khoáng chất, có ga hoặc không có ga.

NGK có chứa đường gọi ngắn gọn là NGK có đường.

Các nhóm sản phẩm thuộc NGK theo TCVN 12828:2019 và thuộc ĐUCĐ theo định nghĩa của WHO, bao gồm:

Từ đó có thể thấy, các nhóm sản phẩm thuộc khái niệm NGK theo Tiêu chuẩn Việt Nam đã được bao hàm trong các nhóm sản phẩm ĐUCĐ theo định nghĩa của WHO, ngoại trừ 2 nhóm sản phẩm là: Chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu và Đồ uống sữa có pha chế hương liệu.

Tiêu thụ ĐUCĐ/ NGK có đường tăng mạnh gây nhiều hệ lụy về sức khỏe

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – WHO tại Việt Nam cho biết, tiêu thụ thường xuyên ĐUCĐ/NGK có đường được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bệnh răng miệng...

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc tiêu thụ ĐUCĐ có đường đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo thống kê, tổng tiêu thụ ĐUCĐ đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên thành 66,5 lít/người năm 2023 (tăng 350%). Trong khoảng thời gian từ năm 2002-2016, lượng tiêu thụ đồ uống có ga đã tăng gấp 3 lần, sản phẩm đồ uống thể thao và nước tăng lực tăng 9 lần và sản phẩm trà/café hòa tan tăng 6 lần.

Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2019 cho thấy có 33,96% học sinh Việt Nam sử dụng nước ngọt có ga ít nhất 1 lần/ngày; cao hơn so với năm 2013 (30,17%). Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) theo khuyến cáo của WHO và cao gần gấp đôi so với ngưỡng đường có lợi cho sức khỏe là <25g/ngày (cho một người trưởng thành có khẩu phần 2000 kcal/ngày).

Các loại ĐUCĐ khác nhau có hàm lượng đường khác nhau. Kết quả khảo sát do Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam thực hiện năm 2022 cho thấy trên thị trường Việt Nam một số loại ĐUCĐ phổ biến có hàm lượng đường rất cao.

Các loại ĐUCĐ khác nhau có hàm lượng đường khác nhau. Kết quả khảo sát do Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam thực hiện năm 2022 cho thấy trên thị trường Việt Nam một số loại ĐUCĐ phổ biến có hàm lượng đường rất cao.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ĐUCĐ/NGK có đường có giúp giảm thừa cân béo phì?

Có ý kiến quan ngại rằng liệu biện pháp thuế đối với ĐUCĐ có giảm được tiêu thụ ĐUCĐ, giảm được thừa cân béo phì cũng như các bệnh lý liên quan? Về vấn đề này, PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, thuế ĐUCĐ sẽ làm tăng giá sản phẩm do vậy sẽ giảm tiêu dùng. Đánh giá gần đây của WHO chỉ ra rằng, tăng 10% giá ĐUCĐ qua thuế có thể dẫn đến giảm khoảng 10-11% mức tiêu thụ, từ đó giảm được năng lượng nạp vào và có hiệu quả trong giảm thừa cân béo phì, giúp giảm gánh nặng các bệnh không lây nhiễm.

Hiện nay, dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được đăng tải xin ý kiến góp ý rộng rãi; mặt hàng NGK theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường > 5 g/100ml đã bổ sung vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 10% giá xuất xưởng. Nếu Dự thảo Luật được ban hành thì lần đầu tiên tại Việt Nam có chính sách thuế TTĐB bắt buộc đối với mặt hàng này.

Áp thuế TTĐB đối với ĐUCĐ trong đó có NGK có đường là biện pháp quan trọng trong tập hợp các giải pháp can thiệp được WHO khuyến nghị nhằm giảm tiêu thụ và tác hại của các sản phẩm này đối với sức khỏe cộng đồng bởi đã mang lại 3 hiệu quả, bao gồm:

Cải thiện sức khỏe cộng đồng;
Tăng thu cho ngân sách nhà nước;
Giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất về năng suất lao động trong tương lai.

Tính đến 8/2023 đã có 117 quốc gia áp thuế đối với ĐUCĐ, trong số này có 104 quốc gia áp thuế TTĐB.

Bằng chứng từ các quốc gia thực hiện áp thuế TTĐB với các sản phẩm ĐUCĐ cho thấy mức tiêu thụ sản phẩm này đã giảm đáng kể so với các nước không áp dụng thuế.

Ở Thái Lan, sau 2 năm thực hiện chính sách áp thuế TTĐB cho ĐUCĐ, mức tiêu thụ ĐUCĐ trung bình/người/ngày đã giảm 2,8%; riêng với nước có ga giảm tới 17,7%. Ở Mexico, mức tiêu thụ ĐUCĐ giảm 6% trong năm đầu tiên (2014) và giảm 10% ở năm tiếp theo.

Nhiều bằng chứng thực tiễn trên thế giới chỉ ra việc giảm tiêu thụ ĐUCĐ/NGK có đường đã làm giảm tỷ lệ mắc bệnh béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến thừa cân béo phì. Thuế TTĐB với ĐUCĐ/NGK có đường, vì vậy đã mang lại lợi ích thiết thực đối với sức khỏe cộng đồng. Cụ thể:

- Tại Mexico, ước tính chính sách thuế giúp ngăn ngừa được 239.900 trường hợp béo phì (39% trong số đó là ở trẻ em) sau 2 năm thực hiện; giảm được 61.340 trường hợp mắc bệnh tiểu đường, tăng 55.300 năm sống khỏe mạnh, ngăn chặn 5.840 năm sống không khỏe mạnh trong 10 năm thực hiện chính sách thuế.

- Nghiên cứu ở Anh cũng đã cho thấy áp thuế ĐUCĐ có thể giúp phòng tránh hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mỗi năm và giảm gần 270.000 trường hợp răng sâu làm mất hoặc phải trám răng hàng năm.

- Nghiên cứu ở Thái Lan cũng cho thấy áp thuế với mặt hàng này sẽ làm giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì với các mức 1,7%, 3,8% và 4,9% trong ba năm, tương ứng với việc thực hiện các mức thuế 11%, 20% và 25%, giảm tỷ lệ mắc bệnh sâu răng 1% vào năm 2040, thậm chí xuống tới 21% nếu tích cực thực hiện.

- Tại Việt Nam, nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng năm 2022 cũng đã chỉ ra nếu áp thuế TTĐB 20% trên giá bán lẻ đối với ĐUCĐ/NGK có đường thì tỷ lệ thừa cân và béo phì có thể giảm lần lượt là 2,1% và 1,5%.

Ngoài ra, áp thuế TTĐB với ĐUCĐ trong đó có NGK có đường giúp giảm gánh nặng bệnh tật và chi phí chăm sóc sức khỏe; giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

Để tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ, từng bước ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm ở nước ta, Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá và đảm bảo tiêu dùng dinh dưỡng phù hợp cho người dân.

Ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu là ban hành đầy đủ các quy định chính sách để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Minh Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-can-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong-trong-do-co-nuoc-giai-khat-co-duong-169241021194947928.htm