Vì sao 'con nhà nghèo' lại lo lắng tìm trường khi thi vào 10 ở Hà Nội?

Bài toán thiếu trường, thiếu lớp sẽ mãi không có lời giải nếu chưa giải quyết dứt điểm được các tình trạng tồn tại, từ căn bệnh thành tích trong giáo dục đến việc chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng trường lớp trong bối cảnh tốc độ dân số ngày càng tăng ở các khu đô thị lớn như hiện nay.

Em họ tôi có con năm nay thi vào lớp 10. Thời gian vài tháng lại đây, vợ chồng em lúc nào cũng tất bật, sấp sấp ngửa ngửa, đến ăn cũng phải vội vàng để đưa đón con học tăng cường ở các lớp học thêm, thi thử. Trường hợp em tôi không phải là cá biệt mà của phần lớn phụ huynh Hà Nội có con chuẩn bị thi vào THPT.

Vợ chồng em là công chức nhà nước, tiền lương eo hẹp nên nhu cầu cho con thi đỗ vào trường công rất lớn. Em tôi nhẩm tính, với mức lương công chức như bây giờ, chỉ cần một đứa học đã hết phần lương của bố hoặc mẹ. Đó là con học trường công học phí không đáng kể chỉ vài trăm ngàn/tháng, nhưng tiền học thêm mới là khoản phải chi trả gấp nhiều lần, từ vài triệu đến trên dưới chục triệu đồng/tháng với đủ các môn cần học để thi vào cấp 3, trường chuyên lớp chọn, chưa kể phải đầu tư một khoản kha khá cho con học tiếng Anh để lấy các chứng chỉ IELTS, SAT… để tìm cơ hội ở các trường xét tuyển đầu vào.

Kể cả không tham gia vào các kỳ xét tuyển thì với đa số phụ huynh và các trường hiện nay, tiếng Anh vẫn là một trong môn học được ưu tiên hàng đầu. Chưa kể, mỗi khi gần đến các kỳ thi, tiền học thêm lại tăng lên đáng kể, thậm chí gấp 1,5-2 lần vì bố mẹ thì lo lắng mong muốn “nhồi nhét” thêm kiến thức cho con bằng các lớp học tăng ca, tăng buổi, còn các trung tâm, lò luyện, kể cả một số trường học nắm bắt được tâm lý phụ huynh cũng tổ chức các lớp “tăng cường”.

Với chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng giảm thì cuộc đua vào trường công ngày càng khốc liệt, nhất là đối với những gia đình có mức thu nhập trung bình khá trở xuống thì việc con em vào học ở trường công là ưu tiên đầu tiên bởi không đủ tài chính để “cõng” được học phí, chi phí của trường tư cao gấp rất nhiều lần trong những năm con học THPT.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024 Hà Nội có tổng số 129.210 học sinh lớp 9. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT là 72.000 học sinh. Theo chỉ tiêu này, chỉ khoảng 55,7% học sinh có chỗ học lớp 10 THPT công lập. Theo, đó sẽ có gần 1/2 số học sinh (gần 45%) sẽ vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên…

Với chỉ tiêu vào trường công như vậy, những học sinh “con nhà nghèo” học ở mức trung bình khá hay kể cả khá, giỏi sẽ khó có cơ hội vào trường công. Bởi, trước hết trong khi thi cử, khó nói trước được điều gì, ngoài năng lực của thí sinh, một phần phụ thuộc vào tâm lý, sức khỏe học sinh hôm thi. Chỉ hơn kém nhau 0,01 điểm là thí sinh đã đứng ở hai đầu của ranh giới đỗ-trượt.

Bệnh thành tích khiến “con nhà nghèo” chật vật lo chỗ học. (Ảnh minh họa)

Bệnh thành tích khiến “con nhà nghèo” chật vật lo chỗ học. (Ảnh minh họa)

Hai là, với cách dạy, cách học hiện nay, cũng khó để đánh giá năng lực học sinh, nhất là trong lúc thi. Ở trường, lớp, em nào tổng kết điểm cũng cao vời vợi, hiếm có học sinh yếu và trung bình. Nhưng thực chất, điểm số ở nhiều trường lớp một phần phục vụ thành tích của cô, của lớp, của trường, thậm chí của địa phương trong xét tặng lên lương, danh hiệu, thành tích giữa các địa phương… Thế nên, có nhiều em điểm cao nhưng thực tế kiến thức tích lũy không được là bao, điểm cao là do các em đang được học theo kiểu bài tủ, ôn thi theo đề cương, các dạng bài có có sẵn. Nếu điểm thi học thấp, thì lại tổ chức các bài kiểm tra gỡ điểm. Những điểm số được làm đẹp cho đến khi nào “đẹp lòng” bố mẹ, nhà trường.

Còn ở các lớp học thêm tại nhà thầy cô, lò luyện thi, học sinh được học, được ôn theo kiểu học tủ, bài tủ. Vì thế, đến lúc thi, nhiều em phụ thuộc rất nhiều vào sự “may-rủi”, trúng tủ thì điểm cao, lệch tủ thì điểm thấp.

Trong khi đó, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ngày càng trầm trọng bởi có lẽ thủ đô là nơi hội tụ tinh hoa, nên ai cũng có nhu cầu bám trụ ở đây, kể cả những đến đây tạm trú cũng cố gắng để gia đình, con cái được sống và học hành ở nơi này. Đây cũng là quyền và nhu cầu chính đáng của con người.

Một điều đáng nói nữa là ở nhiều nơi, các khu đô thị, khu chung cư liên tiếp được mọc lên nhưng lại không có quỹ đất cho xây trường và chưa được cấp quản lý quan tâm đầu tư cho giáo dục. Hoặc nhiều khu đô thị trong cấp phép có quỹ đất, kế hoạch xây dựng trường học nhưng chây ì, chậm tiến độ xây trường để đầu tư cho các hạng mục khác có khả năng sinh lời cao hơn, trong khi đó việc giám sát, kiểm tra còn chưa hiệu quả. Thế nên mới xảy ra tình trạng vào bốc thăm vào trường mầm non như ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội và tình trạng số học sinh ngồi quá quy định cho phép của Bộ GD-ĐT trong một lớp học lên đến 1,5 lần xảy ra ở nhiều trường, lớp tại Hà Nội. Theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, số trẻ mẫu giáo một lớp không quá 25-35 tùy theo độ tuổi nhưng hiện nay ở Hà Nội nhiều nơi cao gấp 1,5 lần cho phép. Số trẻ/lớp của quận Cầu Giấy là 44,91, Nam Từ Liêm 42,07, Tây Hồ 38,44… Ở cấp học cao hơn cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Vậy nên, bài toán thiếu trường, thiếu lớp sẽ mãi không có lời giải nếu chưa giải quyết dứt điểm được các tình trạng tồn tại từ căn bệnh thành tích trong giáo dục, đến việc chưa quan tâm đúng mực đến việc xây dựng trường lớp trong bối cảnh tốc độ dân số ngày càng tăng ở các khu đô thị, chung cư ngày càng dày đặc, khiến các trường học ngày càng quá tải.

Và con em “nhà nghèo” sẽ khó khăn gấp bội khi tìm kiếm cơ hội được học tập khi mà điều kiện không đủ để trang trải các chi phí học tập khi học ở các môi trường ngoài công lập.

Trong tiếp xúc cử tri mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng chỉ rõ, thành phố phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đầu tư đô thị trên địa bàn, không thể để tình trạng lập quy hoạch trường học, bệnh viện vào bãi tha ma như vừa qua; đồng thời nhấn mạnh, chủ đầu tư dự án khu đô thị phải xây dựng hạ tầng trường học, bệnh viện trước mới cho xây nhà, bán nhà. Các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm quy định, Thành phố đã cho rà soát và tiến hành thu hồi.

Hy vọng, cùng với quyết tâm của người đứng đầu thành phố Hà Nội, cần có cả sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhất là ngành giáo dục để trẻ em được vui chơi, học tập dưới môi trường giáo dục toàn diện, không phải chạy đua để tìm trường, tìm lớp như hiện nay./.

An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-con-nha-ngheo-lai-lo-lang-tim-truong-khi-thi-vao-10-o-ha-noi-post1020704.vov