'Vị thế' mới của cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước
Trong khi nhiều tập đoàn tư nhân từng dẫn dắt thị trường có dấu hiệu chững lại, thì nhóm doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp thuộc ngành hàng không, viễn thông lại liên tục gia tăng vốn hóa.
Theo thống kê, toàn sàn chứng khoán có khoảng 18 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng (~ 4 tỷ USD) tính đến ngày 6/2/2025, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đáng chú ý, top 4 doanh nghiệp hàng đầu đều là những tên tuổi do Nhà nước chi phối: Vietcombank (VCB), Viettel Global (VGI), BIDV (BID) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Nhóm doanh nghiệp nhà nước vươn lên mạnh mẽ
Vietcombank là ngân hàng quốc doanh dẫn đầu thị trường chứng khoán về vốn hóa từ đầu năm 2022 và giữ vững vị trí này cho tới nay. Vietcombank cũng là cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam vượt ngưỡng nửa triệu tỷ vốn hóa khi lập đỉnh mới vào tháng 7/2023. Dù đã điều chỉnh đôi chút nhưng nhà băng này hiện vẫn bỏ xa top phía sau trên đường đua vốn hóa với giá trị lên đến 520.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu VGI của Viettel Global liên tục tăng trưởng trong năm 2024 và có thời điểm đạt đỉnh lịch sử, nhờ đó vốn hóa cũng tăng trưởng vượt trội. Hiện tại, dù đã bị thu hẹp lại sau nhịp điều chỉnh, Viettel Global vẫn đứng ở vị trí á quân trong danh sách với giá trị vốn hóa 278.000 tỷ, trong khi BIDV và ACV theo sát, lần lượt là 275.000 tỷ và 270.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều DNNN khác cũng góp mặt trong danh sách như VietinBank (CTG), PV GAS (GAS), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) và mới nhất là VIMC (MVN). Cổ phiếu “ông trùm” ngành cảng và vận tải biển Việt Nam bứt phá mạnh từ đầu năm, qua đó lập đỉnh lịch sử mới tại 88.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của VIMC cũng theo đó lập kỷ lục hơn 106.000 tỷ đồng (~ 4 tỷ USD), tăng 60% từ đầu năm 2025.
Ngoài "câu lạc bộ" các doanh nghiệp vốn hóa trên trăm nghìn tỷ kể trên, nhiều DNNN cũng chứng kiến đà bứt phá mạnh mẽ thời gian gần đây, như: TOS, KSV, PHP,… với thị giá cổ phiếu liên tiếp lập đỉnh lịch sử.
Một số cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng thấp như TTN (+48,59%), CTR (+65,66%), FOX (+50,17%),… cũng có mức tăng giá mạnh hơn so với VN-Index.
Các cổ phiếu vốn nhà nước khác trong nhóm vận tải biển như VTO (+51,92%), VOS (+51%),… cũng ghi nhận đà tăng giá rất tốt.
Tại nhóm cổ phiếu năng lượng, Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (OIL) có vốn nhà nước chiếm 80,52% tăng hơn 54% kể từ đầu năm 2024. Một số cổ phiếu như BSR (+92,13%), POW (+79,94%), CNG (+56%),…cũng có hiệu suất tốt hơn VN-Index.
Đầu tư trong thận trọng
Ngược thời gian, giai đoạn 2020-2021, nhiều doanh nghiệp tư nhân thậm chí chi phối sàn chứng khoán Việt Nam, điển hình như "bộ ba đình đám” Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE). Các doanh nghiệp “họ Vin” có thời điểm đạt tổng mức vốn hóa lên đến 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/4 giá trị toàn thị trường.
Thời điểm hiện tại, tổng vốn hóa của các doanh nghiệp “họ Vin” (tính cả VEFAC) cũng chỉ vào khoảng 381.000 tỷ đồng, chiếm 5,5% giá trị toàn thị trường. Con số này thậm chí còn kém xa so với vốn hóa của riêng Vietcombank.
Có thể thấy, thị trường luôn luôn vận động, các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp tư nhân hay do Nhà nước chi phối nếu tận dụng tốt lợi thế từ chính sách hỗ trợ, đầu tư công và nền tảng tài chính vững chắc sẽ dễ dàng gia tăng vị thế.
DNNN có vị trí trọng yếu trong nền kinh tế, giữ vai trò ở những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia.
Nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn từ ngân sách nhà nước hoặc vốn từ các quỹ do Nhà nước quản lý để đầu tư vào doanh nghiệp. Do đó, các hoạt động, giao dịch của DNNN không chỉ chịu sự điều chỉnh của luật chung là Luật Doanh nghiệp, các luật chuyên ngành, mà còn phải bảo đảm các quy định đặc thù tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Chính vì yếu tố trọng yếu của nền kinh tế mà cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng giữ được tâm lý khá an tâm cho nhà đầu tư khi lựa chọn. Theo đó, kể từ đầu năm 2024, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều cổ phiếu doanh nghiệp có vốn nhà nước có đà tăng giá rất ấn tượng mặc dù thị trường chung diễn biến khó lường và không thuận lợi.
Mặt khác, thị trường chung khó đoán định với những rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư có xu hướng "săn" cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn nhà nước có lợi suất cổ tức/giá cổ phiếu hấp dẫn nhờ Nghị định 140/2020/NĐ-CP.
Theo đó, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, sau khi chia lãi cho các bên góp vốn, bù đắp khoản lỗ của các năm trước, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, trích quỹ đầu tư phát triển (tối đa 30%) thì phần lợi nhuận còn lại sẽ thực hiện chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho phần vốn nhà nước sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với DNNN ngày 15/6/2024, bên cạnh những điểm tích cực, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng việc khai thác nguồn vốn, tài sản của một số DNNN chưa tương xứng với những gì được giao; hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, tình hình thế giới, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tại Nghị quyết 93/NQ-CP (ngày 18/6/2024) về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cũng yêu cầu SCIC chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước cho đầu tư phát triển. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc, quản lý nguồn lực hiệu quả, nâng cao kết quả hoạt động được xem là mục tiêu quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới.
Do đó, để đánh giá mức độ cải thiện hiệu quả hoạt động của các DNNN có lẽ cần phải có thêm thời gian, các nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc đầu tư cổ phiếu nhóm này một cách thận trọng.