Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Trong sách 'Bản đồ thế giới cà phê', James Hoffmann cho rằng cà phê Việt Nam có nhiều tác động đến thị trường thế giới, dù vậy, Việt Nam có ít cà phê chất lượng cao.
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 2000, nước ta đạt sản lượng 900.000 tấn cà phê; năm 2012/2013, sản lượng tăng lên 1,3 triệu tấn.
Sáng 11/2, tại buổi giao lưu ra mắt sách Bản đồ thế giới cà phê ở Hà Nội, ông Phạm Tuấn Anh, chuyên gia kiểm định chất lượng cà phê nhân xanh (Q Grader) và dịch giả Nguyễn Xuân Minh (Nguyễn Nhã Nam) đã trao đổi, chia sẻ các kiến thức về cà phê, đồng thời đưa ra những đánh giá khách quan về cà phê Việt.
Tác động mạnh mẽ của thị trường cà phê Việt
Cà phê không chỉ là một thức uống đặc sản, mà còn gắn liền với kinh tế và lịch sử văn hóa của nhiều quốc gia. Càng ngày, thức uống này càng thu hút sự quan tâm ở Việt Nam, khiến người thưởng thức đặt câu hỏi về nguồn gốc, các cách pha chế, đặc điểm các loại hạt...
Tác giả James Hoffmann là một trong những barista (thợ pha cà phê) nổi tiếng nhất trên thế giới. Ông còn là nhà vô địch World Barista 2007 và là chủ nhân kênh vlog về cà phê có gần 1,5 triệu người đăng ký.
Các diễn giả cho rằng Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann là một cuốn sách giúp độc giả trả lời được phần nào những tò mò của mình về cà phê, cung cấp nhiều kiến thức hữu ích, cho độc giả hiểu được về hạt cà phê, để biết điểm hấp dẫn của một cốc cà phê đến từ những đặc điểm nào.
Sách giới thiệu về cây cà phê, lịch sử việc uống cà phê, các phong cách thưởng thức cà phê trên thế giới và đặc biệt là thông tin về đặc trưng, hồ sơ hương vị và câu chuyện cà phê của các nước sản xuất cà phê trên thế giới.
Việt Nam được coi là quốc gia có tác động lớn lên thị trường cà phê trên thế giới. Trong Bản đồ thế giới cà phê, James Hoffmann cho biết năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Vào khoảng 1994-1998, giá cà phê tăng cao, tạo động lực mạnh mẽ để tăng trưởng cà phê. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới.
Sản lượng cà phê tăng đột biến đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, dẫn đến tình trạng dư cung toàn cầu, làm giá cà phê sụt giảm. Thị trường Việt Nam khi ấy hầu như chỉ sản xuất cà phê hạt Robusta, song vẫn tạo ảnh hưởng đến giá hạt Arabica khi mà có nhiều bên mua lớn chỉ cần sản phẩm thương mại chứ không cần sản phẩm chất lượng cao.
Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường cà phê Việt Nam.
Cà phê Việt Nam chưa được nhìn nhận khách quan
Đánh giá về chất lượng cà phê của Việt Nam, James Hoffmann viết: "Có rất ít cà phê chất lượng cao ở Việt Nam và hầu hết đều có vị phẳng, nhiều hương gỗ và thiếu độ ngọt hay sự đa dạng".
Dịch giả Nguyễn Xuân Minh chia sẻ: "Tôi nghĩ ở thời điểm Hoffmann viết cuốn sách này, ông ấy chưa được trải nghiệm cà phê đặc sản Việt Nam... Đây là phần tôi không đồng ý với tác giả".
Ông cho rằng cà phê Việt Nam chất lượng cũng có hương vị đặc biệt và không thua kém gì cà phê nước ngoài.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng đây là điểm tác giả cần nhìn nhận lại, dù vậy, ông cũng cho rằng những gì ông Hoffmann viết không phải không có căn cứ.
Chia sẻ với Zing, ông Phạm Tuấn Anh cho biết có ba lý do chính khiến cho cà phê Việt (trong quá khứ) không được nhiều "tiếng lành".
Lý do thứ nhất là trước kia, người trồng cà phê chọn số lượng và hy sinh về chất lượng. Ông Tuấn Anh nói: "Ví dụ, hạt Arabica thường được đánh giá cao hơn, nhưng loại hạt này trồng khó hơn, diện tích trồng cũng nhiều hơn, nên người ta tập trung trồng hạt Robusta, chạy theo sản lượng... Ngoài ra còn có những yếu tố như phân bón, thuốc trừ sâu...".
Bên cạnh đó là cơ chế thu mua chưa đủ minh bạch về thông tin. Ông cho rằng người nông dân không biết người mua, người dùng cần gì mà chỉ giao dịch qua đội thương lái.
Ông Phạm Tuấn Anh nói thêm: "Lý do cuối cùng là thói quen. Một người làm thế là cả huyện làm thế. Bao thế hệ đều làm theo". Vì lẽ này, trong một thời gian dài, chất lượng hạt cà phê không được chú trọng.
Tuy nhiên, từ năm 2012. những cuộc tranh luận về chất lượng cà phê đã nổi lên. Dần dần, người Việt Nam chú ý đến việc thưởng thức cà phê. Một nhóm người trồng cà phê, người pha chế, người kiểm dịch đã tạo ra bước đi then chốt, thay đổi bộ mặt cà phê Việt.
Ông cho rằng có lẽ Hoffmann thử cà phê ở Việt Nam cách đây đã lâu và có trải nghiệm không tốt, dẫn đến đánh giá với thiên kiến, chưa khách quan nếu xét về thị trường cà phê Việt Nam bây giờ. "Cuốn sách đã ra đời lâu rồi và có lẽ trải nghiệm của tác giả Hoffmann với cà phê Việt còn hạn chế".
Có lẽ tác giả James Hoffmann khi quay lại Việt Nam cũng sẽ đồng tình với nhận định này, khi mà bản thân ông cũng đã nhận thức được sức chuyển mình của cà phê trên thế giới, rằng lịch sử cà phê không khi nào đơn giản và dễ đóng khung. Trong lời giới thiệu sách, James Hoffmann viết:
"Trước đây, cà phê chưa bao giờ tuyệt vời như bây giờ. Các nhà sản xuất đã hiểu hơn bao giờ hết về việc trồng trọt cà phê và có khả năng tiếp cận với nhiều giống cà phê và các kỹ thuật trồng trọt chuyên biệt hơn. Các nhà rang cà phê thời trước có vẻ như chưa từng đánh giá cao tầm quan trọng của việc sử dụng hạt cà phê mới thu hoạch như hiện nay và hiểu biết của họ về quá trình rang cà phê đang tiếp tục nâng cao hơn nữa".
Thị trường cà phê Việt Nam đang chuyển dịch từ thuần thương phẩm (commodity) sang đan xen đặc sản (speciality) và theo các diễn giả tại buổi ra mắt sách Bản đồ thế giới cà phê, chúng ta có thể đặt niềm tin vào tương lai của cà phê Việt Nam.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-tri-cua-ca-phe-viet-nam-tren-ban-do-the-gioi-post1400897.html