Viêm cơ tim - biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vắc xin. Ngay cả khi được điều trị, tỉ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%. Viêm cơ tim là một trong những biến chứng đặc biệt nghiêm trọng của bệnh bạch hầu.

Bác sĩ Hoàng Công Minh, Viện Tim mạch Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết ngoại độc tố bạch hầu tiết ra làm ảnh hưởng đến tim, gây ra rối loạn nhịp tim và có thể tử vong đột ngột do trụy tim.

Biến chứng viêm cơ tim thường xảy ra khi người bệnh ở giai đoạn toàn phát hoặc vài tuần sau khi khỏi bệnh. Trường hợp viêm cơ tim xuất hiện vào những ngày đầu của bệnh, người bệnh có tiên lượng xấu, tỉ lệ tử vong cao.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

“Các biến chứng về tim thường gặp và được ghi nhận rõ ràng ở bệnh bạch hầu do độc tố bạch hầu có ái lực cao với tế bào cơ tim và hệ thống dẫn truyền tim. Viêm cơ tim xảy ra do sự thoái hóa của sợi cơ Actin do độc tố bạch hầu gây ra, dẫn đến suy giảm chức năng co bóp cơ tim. Ở những bệnh nhân hồi phục sau bệnh, các tế bào cơ tim bị tổn thương được thay thế bằng mô xơ, có thể để lại di chứng tim lâu dài. Biểu hiện tim mạch trong bệnh bạch hầu rất đa dạng nhưng đặc trưng nhất là rối loạn chức năng co bóp cơ tim và rối loạn nhịp tim, đôi khi có viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc”, bác sĩ Minh cho biết.

Theo thống kê, viêm cơ tim bạch hầu xảy ra ở 10%-20% số ca bệnh bạch hầu hô hấp, mặc dù con số này trên thực tế có thể cao hơn. Đáng lưu ý, biến chứng này hầu như chỉ xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Viêm cơ tim thường biểu hiện muộn vào cuối tuần thứ hai nhưng trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng thì có thể biểu hiện sớm hơn. Viêm cơ tim bạch hầu có tỉ lệ tử vong theo ca là 60%-70%.

Điều trị bệnh bạch hầu bao gồm sử dụng sớm thuốc kháng độc tố bạch hầu và kháng sinh. Tỉ lệ tử vong tăng hằng ngày do trì hoãn sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu, từ 4,2% trong hai ngày đầu lên 24% vào ngày thứ 5 của bệnh. Thuốc kháng độc tố được coi là nền tảng trong việc ngăn ngừa các biến chứng nặng và cần phải có sẵn. Ở Việt Nam, chỉ có một số bệnh viện cấp 3 có sẵn thuốc kháng độc tố bạch hầu để điều trị sớm.

“Viêm cơ tim là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh bạch hầu và là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất. Mặc dù đây được coi là một tình trạng đe dọa tính mạng nhưng nếu được sử dụng huyết thanh chống bạch hầu kịp thời và chăm sóc hỗ trợ tích cực, có thể điều trị bệnh thành công”, bác sĩ Minh nói.

Các biện pháp phòng bệnh

Rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, đồ chơi, quần áo của người bệnh phải tẩy uế và sát khuẩn; Tiêm vắc xin bạch hầu: trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dùng vắc xin đa giá (bạch hầu - ho gà - uốn ván) cho trẻ. Bắt đầu tiêm từ 2-3 tháng tuổi, tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml cách nhau 1 tháng. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi. Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi; Với người tiếp xúc: xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong vòng 7 ngày. Ngoài ra cần uống thuốc dự phòng bằng Erythromycin hoặc Azithromycin trong 7 ngày.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/viem-co-tim-bien-chung-nguy-hiem-cua-benh-bach-hau-post1654415.tpo