Việt Nam cần chính sách phù hợp để AI trở thành công cụ phát triển toàn dân

Trong bối cảnh toàn cầu bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế tích cực về phát triển con người. Tuy nhiên, để AI thực sự trở thành công cụ thúc đẩy tăng trưởng toàn dân, quốc gia cần khẩn trương xây dựng một hệ sinh thái chính sách phù hợp, từ hạ tầng số đến giáo dục, kỹ năng và tiếp cận công nghệ.

Theo Báo cáo Phát triển Con người năm 2025 do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố, chỉ số phát triển con người (HDI) toàn cầu đang chững lại ở mức thấp nhất kể từ năm 1990 - nếu không tính giai đoạn khủng hoảng 2020 - 2021. Nguyên nhân chính bao gồm bất ổn kinh tế, khủng hoảng nợ, xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra một điểm sáng: nếu được quản trị hợp lý và đặt con người làm trung tâm, trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò như một lực đẩy mới giúp thế giới vượt qua giai đoạn trì trệ hiện tại. AI không chỉ có tiềm năng mở rộng cơ hội học tập, việc làm và tiếp cận dịch vụ y tế mà còn có thể định hình lại toàn bộ cách thức con người tương tác với nền kinh tế tri thức.

Ông Achim Steiner - Tổng Giám đốc UNDP, cảnh báo rằng nếu xu hướng hiện tại kéo dài, mục tiêu đạt mức HDI rất cao vào năm 2030 có thể bị trì hoãn hàng thập kỷ. Ông nhấn mạnh AI, khi được phát triển với định hướng nhân văn, sẽ là “cầu nối” phục hồi đà phát triển toàn diện và bền vững.

Trong bảng xếp hạng HDI năm 2023, Việt Nam đạt 0,766, xếp thứ 93/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp tục nằm trong nhóm các nước có mức phát triển con người cao. Đây là kết quả của quá trình cải thiện đáng kể về giáo dục, y tế và thu nhập trong hơn ba thập kỷ qua, với mức tăng HDI lên đến 53,5% kể từ năm 1990.

Tuy nhiên, khi điều chỉnh theo bất bình đẳng (IHDI), chỉ số này giảm xuống còn 0,64, phản ánh tổn thất 16,3%, cho thấy vẫn còn tồn tại khoảng cách đáng kể về cơ hội phát triển giữa các nhóm dân cư. Khoảng cách này càng rõ rệt tại các khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi thiếu hụt cơ sở hạ tầng và kỹ năng số đang là rào cản lớn.

Báo cáo của UNDP khuyến nghị một chiến lược AI lấy con người làm trung tâm, với 3 trụ cột chính: Phát triển nền kinh tế hợp tác giữa AI và con người, thay vì thay thế lực lượng lao động; Bảo đảm vai trò chủ động của con người trong toàn bộ vòng đời của AI, từ thiết kế đến triển khai; Hiện đại hóa hệ thống giáo dục và y tế, nhằm trang bị cho người dân các kỹ năng thiết yếu của thế kỷ 21.

Khảo sát toàn cầu của UNDP cho thấy nhận thức tích cực về AI đang gia tăng. Khoảng 60% người được hỏi tin rằng AI sẽ tạo ra thêm việc làm, dù 50% lo ngại công việc hiện tại có thể bị thay thế. Đặc biệt, ở các quốc gia có HDI trung bình và thấp, nhóm có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, có đến 70% người dân tin rằng AI sẽ giúp họ tăng năng suất và 2/3 kỳ vọng sẽ sử dụng AI trong học tập, y tế hoặc công việc trong năm tới.

Với tiềm năng tăng trưởng và thái độ tích cực với công nghệ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chiến lược để đưa AI trở thành động lực phát triển toàn dân. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải khắc phục các điểm nghẽn trong khả năng tiếp cận công nghệ: từ cơ sở hạ tầng điện - Internet đến thiết bị số và kỹ năng công nghệ số cho người dân.

Nếu không được giải quyết, khoảng cách số có thể nhanh chóng trở thành khoảng cách phát triển con người, đặc biệt đối với nhóm yếu thế. Chính vì vậy, Việt Nam cần có một chính sách AI toàn diện, vừa khai thác tiềm năng công nghệ, vừa đảm bảo công bằng và bao trùm trong tiếp cận và ứng dụng AI.

Ông Pedro Conceição - Giám đốc Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, nhận định: “Những quyết định mà chúng ta đưa ra trong vài năm tới sẽ định hình toàn bộ di sản chuyển đổi số. Nếu đặt con người làm trung tâm, AI sẽ không phải là mối đe dọa, mà là cơ hội để vươn lên, từ người nông dân đến doanh nhân khởi nghiệp".

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-can-chinh-sach-phu-hop-de-ai-tro-thanh-cong-cu-phat-trien-toan-dan-317694.html