Việt Nam có hơn 1.000 giống cây trồng đã được công nhận

Ngày 9-5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tập đoàn PAN tổ chức Hội thảo đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng trong doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn PAN ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Trung Quân

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn PAN ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Trung Quân

Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA) Trần Đình Long cho biết, Việt Nam có hơn 1.000 giống cây trồng đã được công nhận (455 giống lúa, 206 giống ngô, cùng hàng loạt giống cây ăn quả, cây công nghiệp và giống rau, hoa). Việc đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển các giống cây trồng chất lượng cao, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Hiện công tác chọn tạo giống hiện nay vẫn đối diện với nhiều thách thức, như: Sự mất cân đối trong nghiên cứu giữa cây lương thực và cây ăn quả; hạn chế trong cải tiến giống lâm nghiệp; hệ thống sản xuất giống còn manh mún, chưa đạt quy mô công nghiệp; tỷ lệ sử dụng giống đạt chuẩn trong sản xuất vẫn thấp, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (đạt 40%). Để đạt mục tiêu đến năm 2035, lưu giữ và khai thác hiệu quả 20.000 - 25.000 nguồn gen; chọn tạo giống có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển giống theo hướng công nghệ cao…Do đó, cần phải đổi mới mạnh mẽ trong công nghệ chọn tạo giống cây trồng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Đổi mới khoa học, công nghệ chọn tạo giống cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ánh Ngọc

Đổi mới khoa học, công nghệ chọn tạo giống cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ánh Ngọc

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc chọn tạo giống cây trồng là nền tảng của nông nghiệp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, thị trường đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng thì công nghệ đóng vai trò quan trọng.

Theo Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Văn Cường, việc thúc đẩy hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, giữa nghiên cứu cơ bản và nhu cầu thực tiễn của sản xuất là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký hợp tác nghiên cứu, trao đổi vật liệu, phát triển chọn tạo giống cây trồng, thử nghiệm, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ với gần 200 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, như: Trồng trọt, chăn nuôi, thú y…

Trong khuôn khổ hội thảo, Tập đoàn PAN và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ, nhằm gia hạn hoạt động hợp tác giữa Học viện và Tập đoàn từ năm 2023 với các nội dung: Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hợp tác phát triển quan hệ quốc tế và kết nối đối tác; tài trợ học bổng cho sinh viên…

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/viet-nam-co-hon-1-000-giong-cay-trong-da-duoc-cong-nhan-701740.html