Việt Nam hoan nghênh tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế trong phát huy cơ chế tài phán biển
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, thể hiện sự ủng hộ với hệ thống pháp lý toàn cầu.

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục (giữa) tại Đối thoại Biển lần thứ 14 ngày 7/5. (Ảnh: Giang Hồng)
Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) trong củng cố trật tự pháp lý trên biển trong gần 30 năm qua?
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực từ năm 1994, và ngay sau khi Công ước có hiệu lực thì ITLOS được thành lập. Tại quy định của Công ước có Phụ lục VI nói về cơ chế, vị trí, vai trò và thẩm quyền của Tòa án này trong giải quyết các tranh chấp có liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước này trong thực tiễn.
Cho đến nay, ITLOS đã xử lý trên 20 vụ tranh chấp có liên quan đến giải thích, áp dụng UNCLOS, trong đó có việc xem xét, giải quyết tranh chấp và đề nghị của các nước thành viên.
Bên cạnh đó, ITLOS còn thụ lý những yêu cầu pháp lý từ Cơ quan quyền lực đáy biển quốc tế (ISA), cũng như các vấn đề liên quan đến lợi ích chung và di sản chung của nhân loại. Trên thực tế, ITLOS đã góp phần hiện thực hóa các quy định của Công ước Luật Biển, giúp xử lý hiệu quả các quan hệ phát sinh trên biển và đại dương.
Điều này thể hiện rõ qua việc xác định các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; quản lý hoạt động đánh bắt, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên sinh vật trong các vùng biển quốc tế; cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến khai thác đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào, do ISA quản lý. Tôi nghĩ đây là những bước tiến lớn của ITLOS.
Tuy nhiên, cơ chế giải quyết các tranh chấp này còn tồn tại hạn chế. Thứ nhất là thủ tục giải quyết chỉ có ý nghĩa khi đạt được sự thỏa thuận của các bên - đặc biệt là trong vấn đề phân định các vùng chồng lấn - thì mới được xem xét, chứ không phải chỉ một bên đơn phương đưa lên cho Tòa án.
Thứ hai, khi Tòa án đã phán quyết thì có giá trị bắt buộc thực hiện, song việc thực thi còn có vấn đề, vì chưa có cơ quan giám sát thực thi các phán quyết đó.
Do đó, ITLOS chỉ có thẩm quyền đưa ra phán quyết, còn việc thực thi hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên liên quan. Nếu một bên không chấp hành, thì không có cơ quan nào có quyền cưỡng chế thi hành. Đây là một trong những hạn chế lớn, ảnh hưởng đến vị thế và vai trò của ITLOS.
Đối thoại Biển lần thứ 14 với chủ đề “Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982: Vai trò, hiệu lực, hiệu quả” khai mạc ngày 7/5 tại Hà Nội, quy tụ nhiều nhà ngoại giao, học giả và chuyên gia Luật Biển trong nước và quốc tế, để cùng trao đổi về vai trò của UNCLOS trong bảo vệ hòa bình và ổn định trên đại dương.
Đối thoại gồm 4 phiên thảo luận chuyên đề xoay quanh lịch sử, thực tiễn và tương lai của cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS. Sự kiện do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad- Adenauer-Stiftung (KAS) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đồng tổ chức.
Bên cạnh Tòa án ITLOS, các cơ chế giải quyết tranh chấp khác đang chứng minh mức độ hiệu quả ra sao trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, thưa ông?
Hiện nay, ngoài ITLOS thì còn có Tòa án trọng tài thường trực (PCA), Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) có thể tham gia giải quyết các tranh chấp trên biển và đại dương.
Ở Biển Đông tồn tại 2 loại tranh chấp về mặt pháp lý: tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ với các hải đảo, quần đảo; tranh chấp về việc phân định các vùng chồng lấn. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiện nay, thẩm quyền và thủ tục giải quyết vẫn còn hạn chế, do đó những tranh chấp về chủ quyền và quyền thụ đắc lãnh thổ cũng hết sức nhạy cảm đối với các cơ chế này.

Đối thoại Biển lần thứ 14 với chủ đề “Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982: Vai trò, hiệu lực, hiệu quả” ngày 7/5 tại khách sạn Sheraton, Hà Nội. (Ảnh: Giang Hồng)
Là một quốc gia ven biển và là thành viên tích cực của UNCLOS, Việt Nam có thể đóng góp như thế nào trong nâng cao hiệu quả các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế?
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn UNCLOS, đồng thời tuân thủ Công ước với tinh thần trách nhiệm rất cao. Tất nhiên, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên biển - nhất là Biển Đông - bằng biện pháp hòa bình, trong đó có đàm phán song phương, đa phương và thông qua các cơ quan tòa án quốc tế, thể hiện sự ủng hộ với hệ thống pháp lý toàn cầu.
Tuy nhiên, việc sử dụng các cơ chế tài phán này cũng cần tuân theo những quy trình và thẩm quyền cụ thể mà Công ước quy định. Không phải mọi tranh chấp đều có thể dễ dàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét trường hợp nào phù hợp và khả thi.
Quan trọng hơn, qua quá trình tiếp cận hoặc nghiên cứu về các cơ chế tài phán quốc tế, như tại các hội thảo chuyên đề, chúng ta cần tổ chức thêm nhiều diễn đàn khoa học để đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện quy trình, cơ chế và thẩm quyền của các thiết chế này, giúp các phán quyết mang tính thực tiễn cao hơn. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ chính trị, thiếu chiều sâu pháp lý, thì các phán quyết sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, tại Đối thoại hôm nay, chúng ta rất trân trọng và hoan nghênh sự quan tâm của Australia, Ấn Độ và một số quốc gia khác trong việc thúc đẩy tiếng nói chung, nhằm giúp các cơ quan tài phán biển hoạt động thực chất và hiệu quả hơn.
Tôi cho rằng, các nước bạn đã có nhiều đóng góp đáng kể về mặt khoa học và lý luận - những đóng góp mà chúng ta nên tiếp tục kế thừa và phát huy. Điều đó cho thấy họ thực sự quan tâm đến việc xây dựng một môi trường pháp lý ổn định, qua đó góp phần duy trì hòa bình ở cả khu vực và trên thế giới.