Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á
Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mình vào vị thế là trung tâm sản xuất điện tử không chỉ của Đông Nam Á mà của cả châu Á. Tuy nhiên, có hai yếu tố mà doanh nghiệp điện tử Việt Nam cần kiểm soát là chất lượng và tăng cường kết nối với các đối tác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan để đảm bảo xuất khẩu.
Ông Darren Seah, Giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp của Công ty Constellar chia sẻ bên lề cuộc họp giới thiệu Triển lãm chuyển đổi công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (ITAP) 2023.
Theo ông Darren Seah, Việt Nam hoàn toàn đặt mình vào vị thế là trung tâm sản xuất điện tử không chỉ của Đông Nam Á mà của cả châu Á.
"Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố, khi có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư và hình thành được mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngành điện tử tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Darren Seah đánh giá.
Tuy nhiên, để trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á, ông Darren Seah cho rằng, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp Việt Nam là cần kiểm soát về chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ các đối tác khác như Malaysia, hay Thái Lan nhằm đảm bảo xuất khẩu.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cũng nhận định, chuỗi cung ứng toàn cầu là chủ đề nóng trong gần 3 năm trở lại đây khi COVID-19 đang định hình lại chuỗi. Vậy, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
Theo VEIA, hiện có nhiều hãng điện tử lớn đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp. "Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam", bà Hương cho biết.
Theo bà Hương, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam nhưng chắc chắn con đường còn dài để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple - vốn được đánh giá là tân tiến, hiện đại trên thế giới.
Bên cạnh đó, VEIA cũng chỉ ra, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển mất cân đối, chủ yếu dựa vào mảng sản xuất điện thoại chiếm tới 70% (Samsung và Apple) làm cho thị phần này gia tăng đáng kể. Thị trường xuất khẩu, chủ yếu xuất khẩu linh kiện, điện thoại vào Trung Quốc và Mỹ. Việc nhập khẩu cũng "mất cân đối hơn" khi có tới 88% linh kiện điện thoại được nhập từ thị trường Trung Quốc.