Việt Nam tham dự hội nghị ASEAN về giáo dục mầm non vì tương lai bền vững

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 15/5 tại thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN về 'Công bằng tiếp cận đối với giáo dục mầm non chất lượng' với sự tham dự của các lãnh đạo ngành giáo dục đến từ 10 nước ASEAN và Timor Leste; đại diện một số tổ chức quốc tế liên quan tới giáo dục mầm non (GDMN). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn đã tham dự hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào

Với chủ đề “Xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu từ sớm: Giáo dục trẻ mầm non từ sớm vì một tương lai bền vững”, hội nghị nhằm góp phần tăng cường hơn nữa sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực phát triển Chăm sóc và Giáo dục Mầm non (ECCE) giữa các quốc gia thành viên ASEAN nói chung và giữa các quốc gia thành viên ASEAN với các tổ chức trong nước và quốc tế nói riêng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục – Thể thao Lào, ông Phout Simmalavong nhấn mạnh, bất bình đẳng trong tiếp cận GDMN có chất lượng là một vấn đề nan giải đối với sự phát triển giáo dục ở các nước thành viên ASEAN cũng như các nước khác trên thế giới. Không chỉ việc tiếp cận giáo dục với mầm non có chất lượng, biến đổi khí hậu hiện cũng trở thành một trong những trở ngại đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc các gia đình dễ bị tổn thương, làm gia tăng bất bình đẳng về giáo dục trong xã hội.

Theo Bộ trưởng Giáo dục – Thể thao Lào, vì những lý do trên, hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng để các bên trao đổi ý kiến cũng như những bài học kinh nghiệm và cam kết toàn diện nhằm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch Công tác ASEAN về Giáo dục 2021-2025 và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là SDG4.2.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng vị trí và vai trò của GDMN và điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục Việt Nam năm 2019. Nêu bật những thành tựu của GDMN Việt Nam đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết không chỉ hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2017, Việt Nam cũng luôn coi trong công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp, bảo đảm mỗi xã/phường có 1 cơ sở GDMN công lập, GDMN ngoài công lập được khuyến khích phát triển...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, giáo dục về bảo môi trường và biến đổi khí hậu cũng luôn là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách, chương trình hành động cụ thể để nâng cao nhận thức cho của học sinh trong công tác bảo vệ môi trường tại tất cả bậc học. Đối với giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã chỉ đạo triển khai Chương trình GDMN trên toàn quốc có lồng ghép mục tiêu giáo dục thích ứng biến đổi khí hậu, giáo dục bảo vệ mội trường nhằm giúp trẻ mầm non có được kiến thức cơ bản, nhận thức và khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào

Chia sẻ với các nước thành viên ASEAN về việc trẻ em ngày nay sẽ lớn lên trong một thế giới hoàn toàn khác so với thế hệ cha mẹ, phải đối mặt với những thách thức mới, trong đó có biến đổi khí hậu, rủi ro về thiên tai, Trưởng đoàn Việt Nam đã thông tin với hội nghị về 3 chương trình Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới, trong đó có Lộ trình thực hiện các mục tiêu về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững: Đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trai được tiếp cận với phát triển, chăm sóc giai đoạn trẻ thơ và giáo dục mầm non có chất lượng để sẵn sàng bước vào cấp tiểu học; Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh giáo dục bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong cấp học giáo dục mầm non; xây dựng mô hình trường mầm non xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu/hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cơ sở GDMN…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh cam kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc chia sẻ những nỗ lực chung của khu vực và đồng hành cùng Bộ Giáo dục các nước trong việc tăng cường thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về chăm sóc và GDMN đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2023 và các cam kết các nước đạt được tại hội nghị lần này.

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung của hội nghị trong đó bao gồm những nội dung: tích hợp giáo dục vì môi trường bền vững trong chương trình giảng dạy sư phạm mầm non; trang bị kiến thức, kỹ năng cho giáo viên mầm non về biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai; kêu gọi sự phối hợp của phụ huynh học sinh tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, toàn diện thông qua gia đình và cộng đồng, tạo cơ hội cho trẻ em học tập và thực hành kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai hiệu quả vì sự phát triển bền vững.

Phạm Kiên – Bá Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-tham-du-hoi-nghi-asean-ve-giao-duc-mam-non-vi-tuong-lai-ben-vung-20240515130201292.htm