Việt Nam trong cuộc đua điện hóa phương tiện toàn cầu
Dù còn nhiều thách thức trong tiến trình thay thế xe động cơ đốt trong nhưng xe điện và các công nghệ ô tô thân thiện với môi trường đang được coi là xu thế tất yếu.
Nhiều nước tăng cường khuyến khích sử dụng xe điện
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến nay đã khoảng 26 triệu xe điện được bán trên toàn cầu (bao gồm cả các xe plug-in hybrid), tăng 60% so với năm 2021. Trong năm 2023, dự đoán doanh số xe điện có thể đạt mức 14 triệu xe.
Nhu cầu xe điện cũng đang tăng mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Theo công bố mới nhất của công cụ theo dõi xe điện tại Đông Nam Á, doanh số bán xe điện chạy pin (BEV) quý II/2023 trong khu vực đã tăng 894%, nhờ nhu cầu mạnh mẽ tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Trước đó theo thống kê, năm 2022, doanh số xe điện (EV) tại Đông Nam Á chiếm khoảng 2% tổng doanh số bán ô tô. Thái Lan đứng đầu khi ô tô điện chiếm tới 58% doanh số bán ô tô, tiếp theo là Indonesia và Việt Nam với lần lượt là 19,5% và 15,8%.
Thực tế cho thấy, công nghệ đối với phương tiện vận tải đường bộ không phát thải đã được phát triển và thương mại hóa rộng rãi trên thế giới dựa trên hai loại năng lượng điện và hydro.
Do mức độ sẵn sang về công nghệ, hầu hết các nước phát triển đều đặt mục tiêu xe ô tô, xe mô tô, xe máy mới bán ra thị trường là xe không phát thải trong giai đoạn năm 2030 - 2040.
Mặc dù được coi là xu thế tất yếu, nhưng quá trình chuyển đổi sang xe điện vẫn đang gặp nhiều thách thức. Điển hình là khả năng bao phủ của hệ thống cơ sở hạ tầng trạm sạc, công nghệ sạc pin kéo dài nên chưa thuận tiện cho người sử dụng, giá thành sản xuất xe điện còn cao…
Ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, theo số liệu được VAMA tổng hợp, giá thành sản xuất của xe điện hiện vẫn đang cao hơn đáng kể xe dùng động cơ đốt trong, đắt hơn khoảng 40% và chủ yếu bởi giá pin cao. Dù giá pin giảm trong tương lai thì sự chênh lệch hiện vẫn còn lớn.
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), tại Hội nghị COP26, 80 chính phủ đã nhất trí nâng cao trọng tâm chính sách thúc đẩy xe điện, sử dụng công cụ trợ cấp, giảm thuế, khuyến khích tiêu dùng và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Kết quả vào năm 2022, trên 26 triệu xe điện đã vận hành, tăng 60% so với năm 2021 và gấp 5 lần so với năm 2018. Trong đó, các quốc gia như: Ấn Độ, New Zealand, Úc đặt mục tiêu đạt 30% doanh số bán phương tiện không phát thải vào năm 2030 và 100% vào năm 2040. Canada, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc tài trợ hoặc trợ cấp cho việc mua xe điện, mua sắm phương tiện công cộng và cơ sở hạ tầng trạm sạc…
Việt Nam nắm bắt thời cơ chuyển đổi
Bà RamlaKhalidi cũng cho biết, phương tiện giao thông ở Việt Nam đóng góp tới 35 triệu tấn CO2 vào năm 2016, tăng ở mức 6 - 7% mỗi năm và đạt 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030, chiếm 39% tổng lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng.
Các chính sách hỗ trợ tài chính cũng là giải pháp cần thiết để thúc đẩy xe điện tại Việt Nam. Các hình thức hỗ trợ có thể bằng cách trợ giá, cho vay ưu đãi hoặc, giảm lệ phí trước bạ đăng ký xe. Trong các giải pháp trên, việc giảm phí trước bạ hay miễn phí biển số, hỗ trợ lãi suất cho vay là phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh
Vì thế các lựa chọn giao thông thân thiện với môi trường, như xe điện giúp hạn chế khí thải và cải thiện chất lượng không khí tốt lên do lượng khí thải so với xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ít hơn.
"Khi công nghệ pin và phương tiện được cải thiện và tiếp tục quá trình khử cacbon trong mạng lưới sản xuất điện, chúng tôi kỳ vọng mức giảm khí nhà kính và nâng chất lượng không khí tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng", bà Ramla cho biết.
Thực tế những năm qua, doanh số bán xe điện tại Việt Nam đã có những bước đột phá khi hàng loạt mẫu xe điện được bán rộng rãi trên thị trường.
Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nếu năm 2021, chỉ có 167 xe ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì đến nay đã có khoảng 22 nghìn ô tô thuần điện, hơn 11 nghìn xe hybrid (kết hợp sử dụng xăng điện).
Cả nước hiện cũng có hơn 2 triệu mô tô, xe gắn máy điện và hơn 700 nghìn xe đạp điện. Dự kiến trong năm 2023, doanh số bán xe điện tiếp tục tăng cao so với năm trước.
Tại một hội thảo diễn ra ngày 23/10 ở Hà Nội, ThS Đặng Hoàng Mai (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương) nhận định, giai đoạn 2014 - 2022 vừa qua, ngành ô tô Việt có những điểm mạnh như sự hiện diện của nhiều hãng xe lớn trên thế giới, doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước bước đầu tạo tiếng vang.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những điểm yếu như: Quy mô thị trường nhỏ, giá xe cao, các doanh nghiệp sản xuất ô tô chủ yếu là lắp ráp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển...
Theo bà Đặng Hoàng Mai, hiện Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển nền công nghiệp ô tô nếu kịp thời nghiên cứu lộ trình chuyển tiếp từ sản xuất các loại ô tô dùng động cơ đốt trong sang xe sử dụng động cơ điện và nhiên liệu sạch nói chung với lộ trình hợp lý, xây dựng các chính sách hỗ trợ, chiến lược phát triển hiệu quả.
Điều này sẽ chắp cánh cho doanh nghiệp sản xuất ô tô và linh, phụ kiện trong ngành công nghiệp hỗ trợ.