Việt Nam ứng dụng kinh nghiệm quốc tế vào hành trình Net Zero

Việt Nam chỉ còn hơn 2 năm để chính thức áp dụng hệ thống mua bán khí thải châu Âu (EU ETS) nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Từ năm 2028, các nhà máy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải mua tín chỉ carbon hoặc phải chấp nhận bị xử phạt hành chính nếu không giảm được lượng khí thải carbon theo quy định của Nhà nước.

Đây là thông tin được chia sẻ tại phiên Đối thoại thứ 19 của Viện Chiến lược, Chính sách Công Thương Việt Nam (VIOIT) trực thuộc Bộ Công Thương với chủ đề “Làm thế nào để áp dụng thành công Hệ thống mua bán khí thải (ETS) vào Việt Nam?” diễn ra chiều 25/4.

Hệ thống ETS của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm lượng khí thải nhà kính, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Hệ thống này đặt ra những giới hạn về tổng lượng khí thải mà các doanh nghiệp tạo ra hàng năm để đáp ứng mục tiêu chung về giảm phát thải.

EU ETS là thị trường giao dịch khí thải lớn nhất thế giới, chiếm hơn ba phần tư giao dịch carbon quốc tế. Việt Nam sẽ áp dụng hệ thống này từ năm 2026, theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022).

Sự chuẩn bị của Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện, một quan chức của VIOIT cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng trong khu vực Đông Nam Á với lĩnh vực công nghiệp ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự phát triển này là lượng khí nhà kính ngày càng tăng lên trong thời gian qua.

Đối mặt với thách thức này, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Ayumi Konishi, Cố vấn cấp cao của CEO, Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF) tiếp tục chủ trì phiên đối thoại thứ 19 của VIOIT

Ông Ayumi Konishi, Cố vấn cấp cao của CEO, Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF) tiếp tục chủ trì phiên đối thoại thứ 19 của VIOIT

Một trong những bước đi mạnh dạn của Việt Nam là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Cam kết này được thể chế hóa bằng một số văn bản pháp lý như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon hay Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, trong đó có quy định về việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon.

Cụ thể, có 2 loại hàng hóa được giao dịch trên thị trường carbon, bao gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính (mỗi doanh nghiệp sẽ được phân bổ một hạn ngạch phát thải, nếu không sử dụng hết, doanh nghiệp đó có thể bán lại cho doanh nghiệp khác có nhu cầu) và tín chỉ carbon (mỗi tín chỉ đại diện cho 1 tấn CO2 hoặc khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2).

Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng nhiệm vụ xây dựng Hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, VIOIT chịu trách nhiệm giới thiệu thành công hệ thống ETS của châu Âu đến Việt Nam.

Thách thức cho toàn khu vực

Mặc dù ETS có thể giúp Việt Nam giảm lượng khí thải đồng thời đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến quá trình xây dựng hệ thống quản lý và kiểm định, xây dựng năng lực, hay đảm bảo tính minh bạch trong quá trình ứng dụng ETS.

Nhiều ý kiến chia sẻ tại buổi đối thoại cho rằng, việc người Việt Nam có sẵn sàng trả tiền để giảm lượng khí thải carbon hay không là một câu hỏi lớn. Trong khi đó, một chuyên gia UNDP cho rằng vấn đề này không quan trọng bằng việc ai sẽ là người chi trả.

“Rõ ràng, người nghèo không thể trả chi phí, và chi phí đó phải được chia sẻ trong toàn xã hội, đặc biệt là giữa những người có khả năng chi trả tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được sự phân bổ chi phí công bằng đó, chúng ta cần minh bạch hơn trong cách phân bổ các khoản thuế cũng như các khoản trợ cấp”, chuyên gia này nhận định.

Một nhà máy nhiệt điện ở Thái Lan. Quốc gia này đã triển khai chương trình trao đổi tín chỉ carbon năm 2022 nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Ảnh: Bloomberg

Một nhà máy nhiệt điện ở Thái Lan. Quốc gia này đã triển khai chương trình trao đổi tín chỉ carbon năm 2022 nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Ảnh: Bloomberg

Ở quy mô lớn hơn, ASEAN cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, và phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình hội nhập kinh tế của khu vực, một nhà nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, mỗi thành viên ASEAN có một quan điểm khác nhau về vấn đề biến đổi khí hậu, dù có cam kết giống nhau liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh hay Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Do đó, các thành viên ASEAN đang chung tay thực hiện chiến lược trung hòa carbon với mục tiêu đưa ra những sáng kiến chung, tầm nhìn chung của toàn khu vực.

Theo nhà nghiên cứu này, mục tiêu dài hạn của ASEAN là phát triển thị trường carbon của toàn khu vực, và chiến lược trung hòa carbon của ASEAN mới chỉ là một trong những bước đi đầu tiên để hiện thực hóa mục tiêu này.

Nguyễn Thị Tuyết

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-ung-dung-kinh-nghiem-quoc-te-vao-hanh-trinh-net-zero-a604922.html