Vụ 24 xã không phát sinh thủ tục hành chính: Nơi nhộn nhịp, chỗ đìu hiu
Sau khi Văn phòng Chính phủ phát hiện 24 xã mới thành lập tại Quảng Ngãi không phát sinh hồ sơ thủ tục hành chính trong tuần làm việc đầu tiên theo mô hình chính quyền hai cấp, đến nay, tình hình tại các địa phương đã có chuyển biến.
Cụ thể, nhiều xã đã tiếp nhận, giải quyết hàng chục đến hàng trăm hồ sơ, song vẫn có nơi vắng lặng, gần như không phát sinh thủ tục.

Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Sơn Tây Thượng có nhiều công dân đến giải quyết thủ tục, phần lớn hồ sơ được giải quyết nhanh chóng.
Nhộn nhịp tiếp công dân đến xử lý hồ sơ
Ngày 10/7, tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công (PVHCC) xã Sơn Tây Thượng, bốn công dân đến nộp hồ sơ chứng thực. Một số hồ sơ còn thiếu thông tin, tuy nhiên đã được cán bộ hỗ trợ hướng dẫn bổ sung kịp thời. Tất cả hồ sơ đều được tiếp nhận và xử lý nhanh chóng.
Chị Xăm Ly Ka, người dân tại địa phương, chia sẻ: “Ban đầu, tôi còn bỡ ngỡ vì không biết nộp ở ô cửa nào, nhưng sau khi được hướng dẫn tận tình, hồ sơ giải quyết trong chưa đầy 5 phút. So với trước đây, tôi thấy nhanh và thuận tiện hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Xuân Thọ, Phó giám đốc Trung tâm PVHCC xã Sơn Tây Thượng lý giải, tuần đầu tiên chưa phát sinh hồ sơ do gặp sự cố về đường truyền mạng, dữ liệu chưa được đồng bộ lên hệ thống. Tuy nhiên, sau khi khắc phục, trung tâm tiếp nhận 42 hồ sơ của công dân, trong đó có 40 hồ sơ được giải quyết.
“Chúng tôi đang từng bước khắc phục vướng mắc kỹ thuật, đảm bảo mọi hồ sơ đều được xử lý kịp thời và cập nhật đầy đủ lên hệ thống theo đúng quy định”, ông Thọ nói.
Tại xã Sơn Hạ, một trong 24 xã bị “điểm danh”, tình hình cũng cải thiện rõ rệt. Trung tâm PVHCC xã này tiếp nhận 110 hồ sơ, chủ yếu liên quan chứng thực và hộ tịch, trong đó hơn 80 hồ sơ nộp trực tuyến. Tỷ lệ giải quyết đạt 98%. Toàn bộ hồ sơ đều được cập nhật lên hệ thống để theo dõi, giám sát.
Bà Võ Thị Xuân Liễu, Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ khẳng định: “Tuần đầu tiên, chúng tôi tiếp nhận hồ sơ giấy và trả kết quả cho công dân, nhưng do phần mềm lỗi nên dữ liệu chưa được cập nhật. Địa phương đang nỗ lực khắc phục toàn bộ để đảm bảo giải quyết đúng tiến độ, quy định”.

Ngoài xử lý trên hệ thống, cán bộ Trung tâm PVHCC xã Sơn Hạ linh hoạt xử lý hồ sơ cho công dân bằng hình thức thủ công trong bối cảnh phần mềm chưa thông.
Miền ngược đìu hiu vì người dân chưa có nhu cầu
Trái ngược với không khí khẩn trương tại các xã đồng bằng, một số xã vùng cao vẫn rất vắng vẻ. Trung tâm PVHCC xã Măng Bút, sau 10 ngày đi vào hoạt động, mới tiếp nhận và xử lý một hồ sơ hành chính của công dân. Trong ngày 10/7, phóng viên ghi nhận trung tâm mở cửa, cán bộ túc trực đầy đủ, nhưng không có công dân đến giao dịch.
Ông Đỗ Thanh Trà - Chủ tịch UBND xã Măng Bút - cho biết: “Địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hiện chưa phát sinh nhu cầu giải quyết thủ tục. Xã bố trí 3 điểm tiếp nhận hồ sơ, gồm trung tâm hiện tại và hai điểm ở trụ sở xã cũ, đồng thời thông báo rộng rãi đến người dân các thôn, bản. Tuy nhiên, đến nay, chưa có thêm hồ sơ”.
Theo ông Trà, xã không có doanh nghiệp hoạt động, người dân chủ yếu quan tâm thủ tục như hộ khẩu, khai sinh, chứng thực… nhưng trong giai đoạn này chưa có nhu cầu, nên việc không phát sinh hồ sơ là dễ hiểu.
Tình hình tại xã Tu Mơ Rông cũng tương tự. Qua 10 ngày, Trung tâm PVHCC xã tiếp nhận 25 hồ sơ, chủ yếu liên quan chứng sinh và công chứng. Trong đó, ngày 1/7 - 7/7 tiếp nhận 16 hồ sơ, nhưng do hệ thống phần mềm chưa ổn định, không có chữ ký số nên địa phương xử lý thủ công để đảm bảo quyền lợi công dân. Từ ngày 7/7 - 10/7, trung tâm tiếp nhận thêm 9 hồ sơ, đã cập nhật đầy đủ lên hệ thống.

Sau 10 ngày hoạt động, Trung tâm PVHCC xã Măng Bút chỉ tiếp nhận một hồ sơ của công dân và xử lý xong.
Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông - ông Trần Quốc Huy - thông tin: “Trung bình mỗi ngày xã chỉ phát sinh chưa đến 3 hồ sơ. Do đặc thù vùng cao, người dân ít có nhu cầu, nên số lượng hồ sơ trên phần mềm không thể nhiều như các xã đồng bằng”.
Ông Huy cho biết thêm, thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo Trung tâm PVHCC phối hợp các tổ chức đoàn thể, mặt trận, hình thành các “tổ công nghệ số cộng đồng” để hỗ trợ người dân chuẩn bị hồ sơ, nộp trực tuyến trên thiết bị di động, hoặc hướng dẫn hoàn thiện thông tin trước khi đến bộ phận tiếp nhận.
Qua ghi nhận thực tế, phần lớn xã bị nêu tên đã khắc phục tình trạng “trắng hồ sơ” sau thời gian đầu lúng túng về kỹ thuật hoặc do mới chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp. Tuy nhiên, tại một số xã vùng cao, nguyên nhân không phát sinh hồ sơ xuất phát từ thực tế dân cư thưa thớt, nhu cầu hành chính thấp, không liên quan việc địa phương thiếu trách nhiệm hay trì trệ trong thực thi nhiệm vụ.