Vùng đất An Tôn và đình làng Yên Tôn Thượng
Kinh đô nhà Hồ tồn tại chỉ 7 năm, nhưng vùng đất An Tôn (ba Don) xưa, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc ngày nay vẫn mãi là nơi đất lành chim đậu, nơi tụ hội các cư dân phiêu tán khắp nơi trở về đây sinh cơ lập nghiệp và phát triển.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Đinh Sửu (1397). Mùa Xuân, tháng giêng, sai Thượng Thư Lại Bộ kiêm Thái Sử lệnh là Đỗ Tỉnh đi xem xét đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà Miếu nền xã, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đấy, 3 tháng làm xong”. Câu chuyện động An Tôn nói riêng và vùng đất An Tôn nói chung khiến người dân nơi đây mãi nhắc về việc hình thành và xây dựng kinh đô triều Hồ.
Chạy dài theo bờ bắc sông Mã, vùng Yên Tôn xưa hay còn gọi là đất ba Don gồm có thôn Yên Tôn Thượng, Yên Tôn Hạ và thôn Phù Lưu. Thời nhà Trần, vùng đất này thuộc động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh, Trấn Thanh Hóa. Sách “Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo, Tri huyện Vĩnh Lộc thời vua Gia Long năm thứ 15 (1816) có viết về núi An Tôn: “Núi ở địa phận xã An Tôn, xưa gọi là động An Tôn (...) Đứng từ xa mà nhìn về, hình sắc như vẽ, thiên nhiên thật đáng yêu. Mé trái núi thời Hồ gọi là thành Tây Đô”.
Theo thời gian, chữ An được đọc thành Yên. Vì thế, sau này người ta gọi đây là vùng Yên Tôn. Trong đó, Yên Tôn Thượng là làng cổ nhất, nằm ở trên gò đất rộng rãi và trù phú. Nơi bãi bồi lắng đọng phù sa pha cát ấy, cư dân đông vui, sinh hoạt văn hóa kinh tế đa dạng. Đặc biệt, vùng đất này nổi tiếng với giống dưa Don vừa ngon vừa giòn. Đến nay nhiều người dân vẫn còn nhớ lời bài hát: “Hỡi cô có thắt lưng xanh/ Có về Don Thượng với anh thì về/ Don Thượng có Sập nằm kề/ Có sông tắm mát lại kề bãi ngô” ca ngợi sự hấp dẫn, trù phú mà thiên nhiên ưu đãi cho làng Yên Tôn Thượng (Don Thượng).
Về đình làng Yên Tôn Thượng ngay dưới chân núi Độn, trước mặt là dòng sông Mã, xa xa là ngọn núi Đồng Cổ, liền kề phía Tây giáp núi An Tôn hôm nay ít nhiều ta có thể hình dung được phong cảnh hữu tình xưa. Địa thế ấy là điều kiện để làm đồn trú vòng ngoài của binh lính Thành Nhà Hồ, hay làm địa điểm thuận tiện để cất giữ kho lương. Với cảnh quan có núi, có sông, có đồng bằng, đồi núi, lại gần kinh đô lớn của nhà Hồ, một di tích kiến trúc đã sừng sững qua thời gian... đình Yên Tôn Thượng như một dấu chấm nhỏ trong hành trình gắn kết từ Thành Nhà Hồ đến các khu vực phụ cận.
Căn cứ vào các đạo sắc phong, thần tích hiện lưu giữ tại sách “Thanh Hóa chư thần lục” được Viện Hán Nôm dịch có thể khẳng định đình làng Yên Tôn Thượng được xây dựng từ lâu, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) cho sửa lại. Trên thượng lương cũng ghi rõ thời gian xây dựng lại đình này.
Theo chia sẻ của ông Trịnh Văn Đại, trưởng thôn Yên Tôn Thượng, xã Vĩnh Yên thì ngôi đình về cơ bản còn khá nguyên vẹn, được dựng theo hướng Nam trên khu đất rộng thoáng mát với diện tích hơn 1.300 m2. Trước kia đây là một trong số ít đình trong vùng được xây dựng to rộng, dựng trên không gian bằng phẳng, hướng ra phía sông Mã.
Ngắm nhìn 16 chiếc cột cái và cột quân làm bằng gỗ, 4 cột hiên bằng đá điều có thể nhận thấy là bà con Nhân dân vốn coi trọng không gian đình làng, trân trọng các vị thần như Cao Sơn đại vương, Đương Giang Quản Gia, Đô Bác Đại Vương... Đặc biệt, đình Yên Tôn Thượng còn thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người dân. Họ không chỉ là người nông dân siêng năng cần cù mà còn là những thợ mộc tài hoa. Toàn bộ hệ thống rui mè, hoành tải làm bằng gỗ đều được chạm khắc cầu kỳ. Riêng bức đại tự chạm khắc hình rồng chầu nguyệt, hoa cúc cách điệu. Trên các vì kèo là bộ tứ linh và một số con thú gần gũi với đời sống của con người được linh thiêng hóa. Từng nét chạm ở vì kèo, kẻ hiên, hai hồi nóc đều hết sức tinh xảo, trang trí chạm trổ với hình tứ linh; các con vật như: rùa, sóc, chim, cá, cua...; các loài hoa như: cúc, lá sen úp ngược… nét đậm, nét nhạt, khi cứng cáp, lúc lại uyển chuyển duyên dáng khiến người xem cảm giác vừa gần gũi như sự hồn nhiên của người lao động, vừa mang sự uy nghiêm, linh nghiệm của các vị thần. Chính những giá trị ấy mà đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ.
Trải qua hơn một thế kỷ, nhìn vào bộ mái được lợp bằng ngói mũi hài với nhiều loại khác nhau, chứng tỏ mái đình được tu sửa nhiều lần. Ông Trịnh Văn Đại, trưởng thôn Yên Tôn Thượng, cho biết thêm: Trước kia bờ mái được trang trí công phu, ở giữa là hình mặt nguyệt, hai bên là hình rồng chầu đắp nổi, chạy suốt từ bờ nóc. Nhưng do biến thiên lịch sử, cộng thêm sự khắc nghiệt của thời tiết bờ nóc mái đã không còn bóng dáng trong trang trí xưa. Điều may mắn nhất là hầu hết các phần kiến trúc nghệ thuật điêu khắc và hiện vật quan trọng của đình vẫn còn giữ được đến ngày nay.
Nhắc về đình Yên Tôn Thượng là nhắc tới hành trình tìm lại 22 sắc phong bị mất một thời gian dài. Qua rất nhiều cuộc tìm kiếm, 19 sắc phong còn nguyên vẹn đã được rước về đình trong niềm vui của người dân. Hiện nay, 19 sắc phong được cất giữ nghiêm cẩn.
Câu chuyện về đình làng Yên Tôn Thượng không chỉ là gắn liền với việc thờ tự các Thành hoàng làng, mà còn là nơi tổ chức các hoạt động như che giấu các chiến sĩ cách mạng, hoạt động trong thời gian chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, là nơi tập trung hoạt động giao lưu văn hóa làng, và tăng cường hoạt động văn hóa truyền thống, giáo dục con cháu.
Trải qua nhiều thế kỷ, người dân vùng đất An Tôn xưa, Vĩnh Yên ngày nay và thôn Yên Tôn Thượng, điều nhận thấy rõ nhất là người nông dân đã vươn lên, thích ứng với cơ chế thị trường để có cuộc sống khá giả. Hiện tại thôn có 1.991 khẩu với 514 hộ, là thôn đông dân cư nhất của xã, nhưng lại có đời sống vật chất ổn định nhất. Anh Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên nói với chúng tôi: Theo kế hoạch năm 2024 Yên Tôn Thượng sẽ về đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Về cơ bản, thôn đã đạt 14 tiêu chí, tuy nhiên tiêu chí số 10 về chất lượng môi trường sống là chưa đạt vì xã chưa có nhà máy nước sạch tập trung. Điều chúng tôi mong muốn nhất là di tích cấp tỉnh, đình làng Yên Tôn Thượng sẽ được trùng tu, xây dựng trong thời gian sớm nhất. Nhìn 2 mái ngói, đòn tay, rui... đã bị hư hỏng nặng mà không khỏi xót xa.
Đất An Tôn xưa từng là nơi tề tựu đông đúc cư dân và nay cũng đang tập trung phát triển du lịch, thu hút du khách đến với mảnh đất lịch sử gắn liền với một vương triều đặc biệt và ngắn nhất trong lịch sử dân tộc: triều Hồ. Để đánh thức tiềm năng của di tích Thành Nhà Hồ, ngoài điểm chính là khu vực các cổng thành thì việc mở thêm tour cho khách vào tham quan núi động An Tôn tìm hiểu công trường khai thác đá xây dựng kinh đô nhà Hồ hơn sáu trăm năm trước; thăm động Ngọc Thanh, nơi mà nhà Hồ khi thay thế nhà Trần đã an trí vua Trần Thiếu Đế (Trần Án) cùng với các nàng hầu, cho đến lúc chết; thăm đình làng của đất ba Don trong đó có đình Yên Tôn Thượng, một trong những di tích vệ tinh quan trọng có liên quan đến Thành Nhà Hồ...