Vững niềm tin chiến thắng

Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Tất cả vì độc lập, tự do

“Khi ấy, các cô chú còn rất trẻ, có người chỉ mới 13-14 tuổi nhưng đã xung phong vào chiến khu phục vụ cách mạng. Mọi người đều nỗ lực vượt qua khó khăn, không quản ngại gian lao và vững niềm tin chiến thắng”-bà Nguyễn Thị Tích (số 51 Duy Tân, TP. Pleiku) mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

 Bà Nguyễn Thị Tích giới thiệu về bức ảnh chụp khi bà phục vụ tại Bệnh xá Dân y ở Khu 10. Ảnh: N.Y

Bà Nguyễn Thị Tích giới thiệu về bức ảnh chụp khi bà phục vụ tại Bệnh xá Dân y ở Khu 10. Ảnh: N.Y

Bà Tích hồi nhớ: Bà quê ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Năm 1965, vì phục vụ công tác cách mạng nên cha của bà chuyển cả gia đình vào căn cứ địa cách mạng Khu 10 (nay là Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang) sinh sống. Năm 1969, khi mới 13 tuổi, bà xung phong vào du kích và được các cô chú tin tưởng giao nhiệm vụ làm giao liên. “Dù chỉ 13 tuổi, dáng người nhỏ nhắn nhưng tôi rất quyết tâm. Được các cô chú giao nhiệm vụ đưa thư, tôi cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Có những khi địa điểm đưa thư xa, tôi đi từ sáng sớm đến chiều, băng rừng, lội suối mới giao được thư cho các cô chú. Vất vả là vậy nhưng tôi chưa bao giờ nản lòng, luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”-bà Tích kể.

Năm 1972, bà Tích tham gia Ban Dân y tỉnh và được tạo điều kiện đi học y tá. Năm 1973, bà hoàn thành việc học và về phục vụ tại Bệnh xá Dân y ở Khu 10. “Giai đoạn này, vật tư, thuốc men, lương thực… đều thiếu thốn, công tác chăm sóc thương-bệnh binh và người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cố gắng sắp xếp để đảm bảo chăm sóc cho người bệnh, mọi người ăn uống kham khổ và luôn nhường những suất cơm trắng cho thương binh. Dù khó khăn, gian khổ nhưng tất cả chúng tôi đều nêu cao tinh thần cống hiến vì độc lập, tự do của đất nước”-bà Tích bày tỏ.

Sau ngày giải phóng, bà Tích về công tác trong ngành Y tế, đến năm 1993 thì xin nghỉ. Trong phòng khách, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng ba và Huân chương Kháng chiến hạng nhì được bà Tích treo trang trọng khẳng định sự quan tâm, ghi công của Đảng và Nhà nước với sự cống hiến to lớn cho đất nước của bà.

 Các đồng nghiệp dân y chiến trường Gia Lai-Kon Tum chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt truyền thống (ảnh nhân vật cung cấp).

Các đồng nghiệp dân y chiến trường Gia Lai-Kon Tum chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt truyền thống (ảnh nhân vật cung cấp).

Với ông Võ Văn Tại (399 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê), khoảng thời gian công tác tại Bệnh xá Dân y Khu 10 là những ngày tháng không thể nào quên. Ông Tại cho biết: Ông quê ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em. Năm 1972, khi vừa tròn 15 tuổi, được sự đồng ý của gia đình, ông đã thoát ly lên Gia Lai và phục vụ tại bệnh xá.

“Khi ấy, tôi được bác sĩ Đinh Minh Chánh-nguyên Trưởng Bệnh xá Dân y tỉnh tạo điều kiện cho đi học y tá. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi về nhận nhiệm vụ chăm sóc thương-bệnh binh và phục vụ tại Bệnh xá Dân y cho đến ngày giải phóng”-ông Tại kể.

Lần theo ký ức, ông Tại hồi nhớ: “Thời kỳ ấy, do thiếu thuốc men, vật tư nên công tác chăm sóc người bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải tận dụng và tái sử dụng những vật tư như: kim tiêm dùng đến khi cùn thì lại mài cho sắc, những bộ đồ phẫu thuật, băng gạc… được giặt đi giặt lại để sử dụng nhiều lần. Dù bệnh xá ở khu an toàn nhưng chúng tôi cũng chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh.

Tôi nhớ nhất là một đồng chí rất trẻ bị sốt rét cấp tính. Do thiếu thuốc nên dù đã nỗ lực chữa trị nhưng vẫn không thể cứu được anh. Bản thân tôi cũng chứng kiến nhiều người bị thương nặng, một số người đã gửi lại một phần thân thể mình, thậm chí hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Riêng tôi, sau khi thoát ly lên Gia Lai, 10 ngày sau, mẹ tôi ở quê mất do bị pháo địch tập kích. Nhưng mãi 1 năm sau, tôi mới biết tin”.

Sau giải phóng, ông Tại được tạo điều kiện đi học văn hóa, học trung cấp y và đại học. Sau khi học xong bác sĩ, ông về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê.

Vững niềm tin chiến thắng

Ký ức những ngày công tác ở Ban Dân y tỉnh luôn vẹn nguyên trong tâm trí của bà Nguyễn Thị Sáu (quê Chí Linh, Hải Dương; hiện đang sinh sống tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Năm 1972, khi ở tuổi 20, vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Dược của Bộ Y tế, cô gái trẻ Nguyễn Thị Sáu đã viết đơn xin vào Tây Nguyên phục vụ cách mạng.

“Ban đầu, tôi được phân về Ban Dân y tỉnh làm công tác dược và nhận nhiệm vụ mang thuốc cho cán bộ lãnh đạo tỉnh khi bị ốm đau. Sau một thời gian công tác, tôi được chuyển sang quản lý kho dược tại Khu 10. Lúc ấy, kho dược chỉ có mình tôi quản lý và ở cạnh kho lương thực có một số anh chị em. Ban đầu, lương thực chưa phân về các khu thì còn có người ở lại quản kho. Nhưng sau khi phân phát hết lương thực thì chỉ còn lại mình tôi. Đêm xuống, chỉ có một mình, khi ngủ, tôi ôm chắc cây súng trong tay. Thời gian đầu chưa quen khí hậu, tôi thường xuyên bị những cơn sốt rét hành hạ… Sau một thời gian quản lý kho dược, tôi được chuyển công tác về lại Ban Dân y cho đến ngày đất nước giải phóng”-bà Sáu nhớ lại.

Theo bà Sáu, khi ấy dù khó khăn, gian khổ nhưng bà và mọi người luôn quyết tâm và vững niềm tin chiến thắng. “Những tháng ngày công tác ở Ban Dân y là khoảng thời gian tôi không bao giờ quên. Nơi ấy, tôi đã gặp và có mối tình đẹp với chồng mình (ông công tác ở Ban Sản xuất) và quen biết nhiều đồng đội, có những tình bạn đẹp. Sau giải phóng, tôi đã thực hiện được nguyện vọng của mình là tìm và đưa hài cốt của một số đồng đội vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Kbang và một số đưa về với gia đình”-bà Sáu tâm sự.

 Bà Nguyễn Thị Sáu phát biểu tại buổi gặp mặt các đồng nghiệp dân y chiến trường Gia Lai-Kon Tum năm 2022. Ảnh: N.Y

Bà Nguyễn Thị Sáu phát biểu tại buổi gặp mặt các đồng nghiệp dân y chiến trường Gia Lai-Kon Tum năm 2022. Ảnh: N.Y

Đối với Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hữu Nam-nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ký ức về những ngày ở chiến trường khu 4 (nay là huyện Ia Grai) vẫn luôn in đậm trong tim. Năm 1966, bác sĩ Nam đã có mặt tại chiến trường khu 4 và là Bệnh xá trưởng khu này. Trong những năm chống Mỹ, khu 4 là chiến trường vô cùng ác liệt. Giặc điên cuồng càn quét, bắn phá cả ngày lẫn đêm và gây nhiều khó khăn trong công tác cứu chữa thương-bệnh binh. Trung bình 1 năm, Bệnh xá khu 4 bị địch tập kích 3-4 lần. Mỗi lần như vậy, mọi người chỉ kịp ôm bộ đồ mổ và chạy tìm nơi tránh trú.

Theo bác sĩ Nam, những người làm công tác dân y ngày ấy cũng gian khổ không kém các chiến sĩ quân y. Chiến trường khốc liệt, mọi vật dụng, trang-thiết bị khám-chữa bệnh, thuốc men… thiếu thốn, trong khi thương-bệnh binh hầu như ngày nào cũng có. Có ngày, ông cùng đồng đội phẫu thuật cho các chiến sĩ bị thương từ sáng sớm đến tối khuya.

“Điện không có, chúng tôi phải thắp nến để mổ. Bộ đồ mổ tôi mặc phẫu thuật 3 ca đầu khô ráo, còn sau đó phải cởi ra luộc tiệt trùng, vắt chưa kịp khô lại khoác lên người để kịp cấp cứu cho bệnh nhân. Phẫu thuật xong là lập tức chuyển các anh về vùng an toàn để điều dưỡng”-ông Nam kể lại.

NHƯ Ý

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/vung-niem-tin-chien-thang-post320936.html