WHO công bố kịch bản kết thúc giai đoạn khẩn cấp COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố kế hoạch cập nhật với dịch COVID-19, trong đó đưa ra các chiến lược quan trọng nếu được thực hiện trong năm 2022 sẽ giúp thế giới chấm dứt giai đoạn khẩn cấp của đại dịch.

Hàn Quốc có thể sắp chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu với COVID-19. Ảnh: AFP

Hàn Quốc có thể sắp chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu với COVID-19. Ảnh: AFP

3 kịch bản diễn biến dịch bệnh

Kế hoạch của WHO công bố ngày 30.3 bao gồm 3 kịch bản có thể xảy ra về cách virus có thể phát triển trong năm tới, theo Reuters. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Dựa trên những gì chúng ta biết hiện tại, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus COVID-19 tiếp tục phát triển, nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh mà nó gây ra sẽ giảm theo thời gian khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ tiêm chủng và lây nhiễm".

Trong kịch bản cơ bản này, được coi là mô hình làm việc của WHO, virus gây ra các đợt bùng phát ít nghiêm trọng hơn với các đợt cao điểm định kỳ khi khả năng miễn dịch suy giảm. Có thể cần tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại cho những người có nguy cơ cao nhất. Dịch bệnh có thể theo mô hình theo mùa, với đỉnh điểm vào những tháng lạnh hơn, tương tự như bệnh cúm.

Trong kịch bản tốt nhất của WHO, các biến thể trong tương lai sẽ "ít nghiêm trọng hơn đáng kể", khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng sẽ lâu dài mà không cần tiêm nhắc lại trong tương lai hoặc phải thay đổi đáng kể với vaccine hiện tại.

Trong trường hợp xấu nhất, virus biến đổi thành một mối đe dọa mới, có khả năng lây truyền cao và gây chết người hơn. Trong trường hợp này, vaccine sẽ kém hiệu quả hơn và khả năng miễn dịch khỏi bệnh nặng và tử vong sẽ suy yếu nhanh chóng, đòi hỏi những cải tiến đáng kể với các vaccine hiện có và một chiến dịch tiêm nhắc lại rộng rãi cần triển khai cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Để giúp chấm dứt tình trạng khẩn cấp, WHO kêu gọi các quốc gia tiếp tục hoặc tăng cường khả năng giám sát virus để phát hiện những dấu hiệu cảnh báo sớm về những thay đổi đáng kể của virus. Tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi cải thiện việc phát hiện COVID-19 kéo dài, để truy vết và giảm thiểu tình trạng bệnh tật lâu dài sau khi đại dịch kết thúc.

Các quốc gia cũng phải tiếp tục tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, giúp xác định các ca bệnh riêng lẻ và hướng dẫn việc ra quyết định ở cấp độ cộng đồng. Theo WHO, các quốc gia cũng phải theo dõi sự tiến hóa của virus trong quần thể động vật.

WHO tiếp tục thúc đẩy mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới chống lại COVID-19, tập trung vào những đối tượng dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ bệnh nặng. Báo cáo của WHO cũng thừa nhận rằng, các vaccine hiện có đang tỏ ra kém hiệu quả hơn so với kỳ vọng trong giảm lây truyền của biến thể Omicron.

Tính đến cuối tháng 3.2022, hơn 11 tỉ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu. Nhưng khoảng 36% dân số toàn cầu vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên.

Báo cáo Kế hoạch Ứng phó, Sẵn sàng và Chuẩn bị Chiến lược là báo cáo thứ 3 của WHO và có thể là báo cáo cuối, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay. Báo cáo đầu tiên của WHO được công bố vào thời điểm bắt đầu đại dịch, vào tháng 2.2020.

Các nước chung sống với COVID-19

Theo Wall Street Journal, các quốc gia ở phương Tây, như Mỹ, Anh, Đan Mạch và Iceland, đang bỏ các quy định về khẩu trang và ra tín hiệu rằng giai đoạn tiếp theo là coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Tại Châu Á, Singapore, quốc gia từng thực thi một số biện pháp COVID-19 nghiêm ngặt nhất trong khu vực, đang dần gỡ bỏ các hạn chế. Với 92% tổng dân số đã tiêm chủng, Singapore đã ngừng yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài trời và dỡ bỏ các biện pháp cách ly với du khách đã tiêm chủng.

Australia, quốc gia đóng cửa biên giới trong hầu khắp đại dịch, đã mở cửa trở lại và sẽ ngừng yêu cầu khách du lịch làm xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh. Trong khi đó, Nhật Bản bỏ các hạn chế ngừa COVID-19 còn lại từ tuần trước khi làn sóng Omicron suy yếu.

Tại Hàn Quốc, làn sóng COVID-19 hiện tại là làn sóng lớn nhất mà bất kỳ quốc gia phát triển nào từng trải qua, gần gấp 3 lần số ca mắc mới hằng ngày trên đầu người so với những đỉnh dịch trước đó ở Mỹ và Anh, Wall Street Journal chỉ ra. Hàn Quốc có số ca mắc kỷ lục nhưng tỉ lệ tiêm chủng cao khiến số ca nhập viện và tử vong ở mức thấp.

Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, nhận định: “Hàn Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Họ có một trong những tỉ lệ tiêm chủng cao nhất ở người lớn, tin tưởng cao vào hệ thống y tế công cộng và các công cụ phù hợp để thoát khỏi đại dịch".

Theo Thanh Hà (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/who-cong-bo-kich-ban-ket-thuc-giai-doan-khan-cap-covid-19-1029537.ldo

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12471/202204/who-cong-bo-kich-ban-ket-thuc-giai-doan-khan-cap-covid-19-5771814/