WHO đặt tên biến thể SARS-CoV-2 mới là Omicron, đưa vào nhóm 'đáng lo ngại'
Tổ chức Y tế Thế giới đã quyết định phân loại B.1.1.529, biến thể virus SARS-CoV-2 mới lần đầu tiên được pháp hiện ở Nam Phi, vào nhóm 'biến thể đáng lo ngại'.
Sau cuộc họp khẩn hôm 26-11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức phân loại B.1.1.529, biến thể virus SARS-CoV-2 mới lần đầu tiên được pháp hiện ở khu vực châu Phi, vào nhóm “biến thể đáng lo ngại”.
Theo hãng tin Reuters, WHO đã đặt tên cho biến thể mới này là “Omicron” và quyết định xếp biến thể này ở nhóm “biến thể đáng lo ngại”, thay vì ở mức độ ít nghiêm trọng hơn là “biến thể được quan tâm”.
Trước đó, biến thể Delta, khiến số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 gia tăng đột biến trên toàn cầu sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 12-2020, cũng được WHO xếp vào loại “biến thể đáng lo ngại” vào đầu năm nay.
Đối với Omicron, WHO cho biết chủng này có một số lượng lớn các đột biến vô cùng rắc rối. “Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ lây lan và tái nhiễm với biến thể này tăng lên nhiều hơn so với các biến chủng khác” - WHO cho biết.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cảnh báo chính phủ các nước không nên áp đặt các hạn chế đi lại đối với các nước châu Phi để ngăn chặn sự lây lan của Omicron.
Theo ông Lindmeier, sẽ mất vài tuần để các nhà khoa học có thể đánh giá mức độ lây lan và độc lực của biến thể mới, cũng như khả năng né tránh miễn dịch được tạo ra từ vaccine ngừa COVID-19.
"WHO khuyến nghị các nước tiếp tục có cách tiếp cận khoa học và căn cứ theo rủi ro khi áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại" - Ông Lindmeier nói.
Biến thể mới gây báo động toàn cầu
Việc phát hiện ra biến thể Omicron đã gây ra báo động trên toàn cầu vào hôm 26-11 khi các quốc gia vội vàng đình chỉ khách du lịch đến từ châu Phi và thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương bị sụt giảm mạnh, theo Reuters.
Nhiều nước châu Âu và châu Á đã quyết định hạn chế đi lại. Liên minh châu Âu (EU), Anh, Israel, Nhật Bản, Pháp và Ấn Độ đã siết chặt biên giới với người từ Nam Phi và một số quốc gia châu Phi khác.
Trong khi đó, các nhà dịch tễ học cảnh báo việc hạn chế đi lại có thể là quá muộn để ngăn chặn biến thể Omicron lây lan trên toàn cầu khi biến chủng mới này, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, đã xuất hiện sau đó ở Bỉ, Botswana, Israel và Hong Kong.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Washington cho biết Mỹ sẽ hạn chế việc đi lại từ Nam Phi và các nước láng giềng có hiệu lực vào ngày 29-11.Canada thông báo họ cũng đang đóng cửa biên giới của mình với các quốc gia có sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Biến thể Omicron cũng đã làm dấy lên sự lo lắng từ các nhà khoa học trên toàn cầu.
"Biến thể mới rất đáng lo ngại. Đây là phiên bản virus đột biến đặc biệt nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay" - ông Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick của Anh nhận định.
"Một số đột biến tương tự như chúng tôi đã thấy trước đây đều có khả năng lây nhiễm cao hơn và khả năng chống lại kháng thể miễn dịch từ vaccine hoặc có được sau khi khỏi bệnh, và biến thể này cũng không loại trừ khả năng đó" - ông Young nhấn mạnh.
Những lo lắng về biến thể COVID-19 mới đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, đặc biệt là cổ phiếu của các hãng hàng không và các ngành nghề khác trong lĩnh vực du lịch, đồng thời khiến giá dầu giảm khoảng 10 USD/thùng.