Xã An toàn khu Tân Sơn: Nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào Khmer
Là 01 trong 07 xã An toàn khu của huyện Trà Cú, Tân Sơn là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm trên 85%. Đặc biệt, tại các ấp Đồn Điền, Đôn Chụm, Thốt Nốt, Leng… là vùng căn cứ kháng chiến, nuôi chứa và che chở cán bộ 'bám trụ, đứng chân' lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị chủ lực Quân khu 8, Trường quân chính Khu 8, Sở Y tế quân dân Nam Bộ… Ngày nay, đã có sự đổi thay rất lớn, nhiều công trình giao thông, thủy lợi đã được đầu tư, góp phần thực hiện chuyển đổi sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản cho nông dân.

Cánh đồng lúa vụ đông-xuân 2024 - 2025 của gia đình ông Huỳnh Văn Hòa (bên trái) trúng mùa nhờ có tuyến kênh bê-tông nổi.
Ông Huỳnh Văn Hòa, người dân ấp Đôn Chụm phấn khởi cho biết: hiện nay, trong khu vực nội đồng từ ấp Leng - Đồn Điền - Đôn Chụm (Tân Sơn) giáp với xã Tập Sơn có tuyến kênh bê-tông và trạm bơm, đảm bảo nguồn nước sản xuất nông nghiệp cho Nhân dân. Riêng gia đình có 0,7ha sản xuất lúa, trước đây khi vào cuối vụ lúa đông - xuân gặp khó về nguồn nước, nay sản xuất khá thuận lợi, vụ lúa đông - xuân năm 2024 - 2025, năng suất ước đạt trên 07 tấn/ha.
Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn xã Tân Sơn luôn được Nhà nước quan tâm cho vùng đồng bào Khmer; cùng với đó, thông qua phong trào XDNTM, NTM nâng cao, xã cũng được “tiếp sức” từ sự chung tay của các cấp, các ngành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nhiều công trình giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng… Với tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 3.000ha; trong đó, có 500ha thực hiện mô hình lúa chất lượng cao và 100ha/97 hộ thực hiện mô hình lúa hữu cơ… Trong năm 2024 và quý I/2025, nông dân xã Tân Sơn thực hiện chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu trên 26ha, đem lại thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 02 lần so với trồng lúa.
Đồng chí Kim Minh Đươne, Bí thư Chi bộ ấp Đồn Điền cho biết: toàn ấp có trên 90% đồng bào Khmer, chủ yếu trồng màu và làm lúa (khoảng 125ha), kết hợp với nuôi bò. Đời sống của người dân nơi đây có bước phát triển rất lớn; giao thông đi lại khá thuận tiện, không còn đường đất như trước đây. Ở đây, có rất nhiều gia đình tham gia nuôi, che chở cho cán bộ thời kháng chiến, hiện ấp có 07 gia đình chính sách. Trong năm 2025, ấp đang được trên triển khai đầu tư tuyến đường nhựa (dài 2,5km, rộng 3,5m), nâng tổng số trong ấp được 03 tuyến đường nhựa trục chính và nạo vét 02 tuyến kênh nội đồng, tổng chiều dài hơn 1,3km.
Hiện xã còn 26 hộ nghèo (chiếm 1,17%/tổng số hộ) và 41 hộ cận nghèo (chiếm 1,84% tổng số hộ). Cuối năm 2024, xã mghiệm thu đưa vào sử dụng 48 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền hỗ trợ 2,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,04 triệu đồng/người/năm; xã đang chờ tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đồng chí Trần Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu; đây là niềm phấn khởi và vinh dự của Nhân dân Tân Sơn. Đối với các ấp là căn cứ đóng quân trước đây, hiện nay đã có sự đổi thay rất lớn; về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi được đầu tư cơ bản; góp phần thực hiện chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập; đặc biệt, là trong nông nghiệp, đây là thế mạnh của địa phương, từ sản xuất 02 vụ lúa nay đạt 03 vụ/năm ăn chắc; hệ thống thủy lợi được đầu tư nạo vét hàng năm đảm bảo nguồn nước bơm tát…