Xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không: Sớm tạo dựng hành lang pháp lý
Dù rất mong muốn, song các địa phương và nhà đầu tư đều lúng túng khi triển khai thủ tục xã hội hóa đầu tư, nâng cấp cảng hàng không, sân bay hiện hữu. Do đó, sớm xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định, có tính đột phá để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng hàng không đang là yêu cầu cấp thiết.
Bỏ cuộc vì vướng cơ chế
Cho đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được xã hội hóa hoàn toàn theo hình thức PPP (đối tác công - tư). Còn lại 21 sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp nhà nước, quản lý và khai thác. Ngoài ra, có 2 dự án nhà ga được xã hội hóa là Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng và Nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).
Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, tỉnh đã sớm định hướng đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông với quan điểm giao thông phải đi trước một bước, phải đổi mới phương thức huy động và khơi thông các nguồn lực. Cảng hàng không dân dụng là một công trình động lực được tỉnh Quảng Ninh xác định phải đầu tư và thực hiện thành công. Đến nay, cảng đã đón hơn 5.000 chuyến bay, trong đó gần 4.500 chuyến bay quốc tế, phục vụ trên 610.000 lượt hành khách.
Có thể nói, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là mô hình xã hội hóa hạ tầng hàng không thành công hiếm hoi trong giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, một số nhà đầu tư dù rất quan tâm đến dự án cảng hàng không, sân bay nhưng sau thời gian theo đuổi đều... lặng lẽ bỏ cuộc do thủ tục rườm rà, chưa rõ ràng.
Cũng do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã phải quay lại phương án dùng vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 và các công trình đồng bộ tại Cảng hàng không Đồng Hới, sau khi kế hoạch gọi vốn đầu tư tư nhân theo hình thức PPP gặp khó khăn.
Theo chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, nhà đầu tư chưa biết thủ tục đầu tư thế nào; các địa phương không biết triển khai ra sao nên các đề án xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay không thu hút được nhà đầu tư.
Cởi bỏ những "nút thắt"
Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa. Đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không, đáp ứng được khoảng 294,5 triệu hành khách, bảo đảm hơn 95% dân số có thể tiếp cận sân bay trong phạm vi 100km.
Để hiện thực hóa các mục tiêu theo quy hoạch, chỉ tính đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không lên tới 420.000 tỷ đồng. Theo tính toán, ngân sách nhà nước mới cân đối được khoảng 204.615 tỷ đồng, nên việc sớm cởi nút thắt về cơ chế xã hội hóa đầu tư, nâng cấp sân bay, cảng hàng không đang là vấn đề cấp thiết, sớm cụ thể hóa các dự án ưu tiên được đề cập trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhằm thu hút được nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư cảng hàng không, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần có chính sách mở về đầu tư, cân bằng quyền lợi giữa các bên với quy trình đầu tư minh bạch; xây dựng mô hình PPP mạnh mẽ, hữu ích, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối cho các sân bay từ đường sắt, đường bộ... tăng tiềm năng giao thương với các khu vực lân cận; xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi (thuế, đất đai...) đối với doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không. Các địa phương nơi có cảng hàng không, sân bay cần chủ động huy động nguồn vốn với tinh thần địa phương và ngành Hàng không, nhà đầu tư cùng chung tay. Quan trọng là phải tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định, có tính đột phá cao để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng hàng không.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Theo đó, trong phương án mới nhất, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị lựa chọn hình thức đầu tư PPP để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không, trừ hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia; Chính phủ chủ động quyết định mức vốn tham gia của Nhà nước vào từng dự án. Cục cũng kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư.