Xã hội phát triển nhờ khoa học, công nghệ

Khoa học, công nghệ luôn được coi là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự phát triển nhanh, bền vững và là một trong những đột phá chiến lược phát triển đất nước.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng (thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, khẳng định, khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra để KH&CN có những đóng góp quan trọng, xứng với tiềm nǎng, vị trí quốc sách hàng đầu và thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

KH&CN bao trùm tất cả lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, kinh tế xã hội Việt Nam năm 2023 vẫn có nhiều điểm sáng, trong đó có đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ. Bà đánh giá vai trò của khoa học và công nghệ trên tất cả lĩnh vực phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, đời sống… như thế nào?

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) là phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành kết luận số 69 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo đó, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ có nhiều tiến bộ, một số lĩnh vực đa ngành mới được hình thành, tăng cường tiềm lực và trình độ KH&CN quốc gia. Khoa học xã hội và nhân văn đóng góp tích cực cho việc cung cấp luận cứ trong vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật...

Tại ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói của triết gia người Thụy Sĩ Henri Frederic Amiel "Xã hội phát triển nhờ khoa học".

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức mới, lại càng thấy rõ vai trò quan trọng của KH&CN trên tất cả lĩnh vực, từ phát triển kinh tế, nông nghiệp đến du lịch, văn hóa…, mang tính chất thúc đẩy, đột phá và bền vững. Không có KH&CN, không thể có năng suất, chất lượng, sự bền vững và sự đột phá.

PGS.TS Bùi Thị An

PGS.TS Bùi Thị An

Để KH&CN thực sự phát triển xứng tầm

Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển, ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế KH&CN phát triển chưa tương xứng tiềm nǎng và vị trí quốc sách hàng đầu, chưa thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển?

Theo tôi, để khoa học và công nghệ phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa, bên cạnh chủ trương, chúng ta cần phải thể chế hóa ra. Nếu có chủ trương mà không cụ thể hóa, hiệu quả sẽ không cao.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh hai nội dung mang tính nền tảng: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”. Để thực hiện được những định hướng chiến lược này, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”, cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển khoa học và công nghệ?

Theo mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc.

Để thực hiện những mục tiêu đó, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt. Công nghệ số cần nguồn lực về điều kiện vật chất để đầu tư cho hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, chuyên gia số.

Tuy nhiên, chúng ta chưa chuẩn bị kịp thời. Giai đoạn này rất mới và sự chuẩn bị nguồn nhân lực còn hạn chế. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đào tạo nguồn nhân lực số phục vụ cho công nghệ số.

Chính phủ cần có kế hoạch, thậm chí những đề án riêng trình Quốc hội, để đào tạo bổ sung kịp thời nguồn nhân lực cho công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số. Chúng ta đã có chủ trương đúng và đang triển khai, tuy nhiên phải có đề án một cách cụ thể để chuẩn bị nguồn lực là kinh phí xây dựng hạ tầng và con người.

Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Thị An về cuộc trao đổi trên!

Mời độc giả xem thêm video Đại biểu Quốc hội, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói về Luật Đất đai (sửa đổi)

Hải Ninh thực hiện

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/xa-hoi-phat-trien-nho-khoa-hoc-cong-nghe-1954201.html