Xã Tân Minh (Đà Bắc) có 4.592 ha rừng, trong đó có 2.000 ha rừng sản xuất, 2.592 ha rừng đặc dụng với nhiều tài nguyên, động, thực vật phong phú, giúp giữ nước đầu nguồn, điều hòa hệ sinh thái, khí hậu. Những năm qua, xã chú trọng nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng (BVR), tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống các hành vi xâm hại, đốt phá rừng.
Your browser does not support the audio element.
Nhiều lâm sản quý tại cánh rừng xóm Chầm, xã Tân Minh (Đà Bắc) được bảo tồn. Đồng chí Lò Văn Lại, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chú trọng BVR, giữ nguồn tài nguyên quý, xã phối hợp các ngành, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tuần tra tại các địa bàn nhằm kịp thời phát hiện hành vi xâm hại. Rừng là nguồn sống, người dân trên địa bàn đã nhận thức được lợi ích từ rừng, dần bỏ thói quen phá rừng lấy gỗ làm nhà, chấp hành quy định, hương ước của khu dân cư về BVR, tuân thủ Luật Bảo vệ và phát triển rừng, kịp thời phối hợp ngăn chặn, tố giác hành vi xâm hại”. Hiện, 8/8 xóm đều thành lập tổ BVR, mỗi tổ từ 4 - 5 thành viên, gồm trưởng xóm, dân quân, thôn đội trưởng… phối hợp cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra 1 - 2 lần/tháng. Việc BVR được nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên tại các cuộc họp xóm; đưa vào hương ước khu dân cư, xử lý các hành vi vi phạm. Thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa diện rộng, các tổ BVR và cán bộ kiểm lâm địa bàn theo dõi diễn biến, kịp thời nhận chỉ đạo, phối hợp với người dân thực hiện các hoạt động phòng, chống cháy rừng như: Phát dọn thực bì, đốt nương đúng cách, sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra. Ông Lò Văn Cà, Trưởng xóm, tổ trưởng tổ BVR Chầm cho biết: "Việc BVR được đưa ra trước các cuộc họp xóm, nhắc nhở thường xuyên, nêu rõ tầm quan trọng, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong BVR, khai thác lợi ích từ rừng đối với đời sống, mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, đảm bảo ANTT. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các tổ có trách nhiệm hơn trong việc làm, chấp hành chỉ đạo của địa phương, nhiều năm nay, các cánh rừng trên địa bàn không có hiện tượng xâm hại tài nguyên, khu rừng được bảo tồn”. Xóm Chầm, Ênh, Diều Luông, Diều Nọi có diện tích rừng đặc dụng lớn, lâm sản phong phú. Nhờ phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều năm qua địa bàn không có vụ chặt phá, xâm hại rừng. Bà con được cán bộ hướng dẫn đốt nương, dọn thực bì, không đốt rác bừa bãi dễ gây cháy. Từ năm 2020 đến nay, xã trồng mới 60 ha, độ che phủ rừng toàn xã đạt 65%. Nâng cao hơn nữa ý thức trong việc BVR, xã tổ chức ký cam kết tại các khu dân cư, nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân về BVR. Tuần tra thường xuyên với tần suất tăng dần tại các thời điểm nhạy cảm, kịp thời cập nhật tin báo, nhận chỉ đạo thường xuyên. Duy trì phối hợp thông tin với lực lượng kiểm lâm, địa bàn các xã giáp ranh. Với địa bàn còn nhiều khó khăn, ít bãi bằng, xa trung tâm huyện, lợi ích từ rừng được người dân khai thác triệt để, đồng thời bảo vệ, giữ gìn những tài nguyên, lâm sản quý hiếm. Hiện, địa bàn xã trồng các loại cây lâm nghiệp như: Keo, bồ đề, trẩu, quế… phát triển tốt, hợp thổ nhưỡng, được tư thương thu mua thường xuyên, giá cả ổn định. Xã đang từng bước xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản, thu hút đầu tư xây dựng xưởng sơ chế nhằm nâng cao giá trị lâm sản, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 20,5 triệu đồng/người/năm. Hoàng Anh