Xác định mức giá cho thuê vỉa hè: không thể cào bằng!

'Tôi cho rằng chúng ta quản lý vỉa hè và thu phí thì không nên đặt mục tiêu thu ngân sách, thu tài chính quá cao mà mục đích chính của chúng ta là làm thế nào để mà giải quyết được vấn đề đời sống đô thị hài hòa, giải quyết cho giao thông đi lại cho cảnh quan', TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, chia sẻ.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang xây dựng Dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố, trong đó một số nội dung đáng chú ý như quy định về 7 trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải đóng phí. Xung quanh đề xuất này có một số ý kiến trái chiều.

Để góp thêm góc nhìn từ phía chuyên gia, phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, về việc quản lý vỉa hè cũng như mức thu phí sử dụng vỉa hè.

Trong những năm gần đây, TP.HCM cũng đã có nhiều giải pháp để quản lý vỉa hè, nhưng theo ông tại sao lại thất bại trong việc quản lý vỉa hè sau những đợt ra quân rầm rộ và làm theo phong trào?

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên: Theo tôi, chiến dịch vỉa hè của quận 1 rất quy mô nhưng cuối cùng đi đến thất bại. Bởi vì vỉa hè của thành phố không đơn giản chỉ là cái vỉa hè mà nó còn dính líu đến rất nhiều các yếu tố dân sinh, hay còn gọi là mưu sinh của người dân. TP.HCM đã có nhiều đề tài nghiên cứu kinh tế vỉa hè, vỉa hè nuôi sống bao nhiêu người, giá trị hàng hóa trao đổi trên vỉa hè đó hàng năm là bao nhiêu. Điều này có nghĩa là vỉa hè đóng vai trò kinh tế xã hội chứ nó không phải chỉ đơn thuần là một khoảng trống. Nhu cầu đỗ xe trên vỉa hè cũng không thể loại bỏ hoàn toàn. Thực tế cho thấy, một số hiệu sách của vỉa hè tuyên bố nếu không cho để xe trên vỉa hè thì họ sẽ đóng cửa.

Cho nên, nếu muốn thay đổi thì phải thay đổi cấu trúc kinh tế (một chương trình trung hạn đến dài hạn), nâng cao đời sống người dân thì tự nhiên vỉa hè mới thông thoáng. Còn ngay lập tức, chính quyền, Nhà nước dùng những biện pháp dù rất mạnh, nhưng không mạnh hơn nhu cầu mưu sinh của người dân thì rất khó khả thi. Hà Nội hay TP.HCM thì cũng thế thôi!

Có ba đối tượng cộng sinh không thể tách rời là vỉa hè, xe máy và mặt tiền. Ba cái đó như là một cấu trúc mưu sinh của người dân bình thường và chính quyền thành phố không loại bỏ được bất cứ đối tượng nào. Hiện nay, phương tiện cơ bản của người dân Hà Nội và TP.HCM là xe máy. Giải quyết bài toán vỉa hè chính là giải pháp dung hòa giữa các chức năng hay gọi là vỉa hè đa năng: vừa là chỗ để xe, vừa phục vụ cho hoạt động mưu sinh cho người nghèo, vừa phục vụ cho hoạt động đi bộ.

Hình ảnh chiến dịch kiểm tra, xử lý lấn chiếm vỉa hè ở quận 1 (TP.HCM), lực lượng chức năng cẩu chiếc xe lấn chiếm vỉa hè đường Sương Nguyệt Ánh. Ảnh tư liệu: Zing

Thưa ông, Dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến sau khi chừa tối thiểu 1,5m cho người đi bộ sẽ cho thuê vỉa hè có thu phí. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Tôi nghĩ thu phí vỉa hè là hoàn toàn hợp lý. Vỉa hè là không gian công cộng, nên người sử dụng vỉa hè để kiếm sống thì phải trả phí là công bằng xã hội.

Nhìn một cách tổng quát, thành phố Hà Nội và TP.HCM có một sự chênh lệch, mất cân đối cơ bản giữa giao thông động và giao thông tĩnh. Giao thông động vượt quá sức chứa giao thông tĩnh, cho nên bài toán đặt ra là xây dựng những bãi gửi xe như thế nào? Chỉ khi có thêm nhiều bãi đỗ xe thì mới có thể giảm bớt đỗ xe trên vỉa hè và vỉa hè tương đối thoáng hơn.

Vậy làm thế nào để quản lý hiệu quả vấn đề đóng phí đối với những người sử dụng vỉa hè mà không làm phát sinh thêm những bãi giữ xe dã chiến?

Gọi là hạn chế bãi giữ xe dã chiến nhưng khi có bãi giữ xe cũng là sử dụng vỉa hè. Vậy thì cần quy hoạch, xem khu vực nào có thể làm bãi giữ xe chứ không phải bất cứ vỉa hè nào cũng làm bãi giữ xe.

Đối với quản lý phần đóng phí, tôi nghĩ rằng cái này bắt buộc phải giao cho địa phương. Nhưng cái quan trọng nhất là làm thế nào để tránh được tiêu cực thì lại thuộc về lĩnh vực của con người. Nếu có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu phí (như sử dụng thẻ quẹt hay phương cách nào khác) thì Nhà nước mới có thể thu phí vỉa hè. Còn nếu thực hiện thu thuế thủ công thông qua việc đóng thuế hằng ngày, hàng tháng chắc chắn không thoát khỏi những tiêu cực.

Phần vỉa hè quanh bệnh viện lại bị tái chiếm để bán hàng rong, làm bãi giữ xe. Hàng rong cùng dù bạt của người bán tràn ra cả cổng bệnh viện khiến khu vực này luôn bát nháo. Nguồn: Vnexprss

Phần vỉa hè quanh bệnh viện lại bị tái chiếm để bán hàng rong, làm bãi giữ xe. Hàng rong cùng dù bạt của người bán tràn ra cả cổng bệnh viện khiến khu vực này luôn bát nháo. Nguồn: Vnexprss

Mỗi địa phương có cần xây dựng một bộ quy định, quy chế sử dụng vỉa hè riêng không thưa ông?

Tôi cho rằng cái đó phải làm từng khu vực cụ thể, khu vực lõi của nội đô khác với khu vực ở vùng ven. Giá trị của giá trị kinh tế xã hội của vỉa hè ở mỗi nơi khác nhau. Cùng với việc thuê một diện tích không gian nhưng nếu thuê ở quận 1 (TP.HCM) sẽ đắt hơn rất nhiều so với thuê ở vùng ven. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải quản lý chi tiết đời sống của người dân chứ không phải chỉ là quản lý hành chính.

Khi mà kinh tế càng phát triển, đô thị càng phát triển thì các vấn đề nảy sinh của đô thị càng phức tạp hơn, đòi hỏi chính quyền địa phương càng phải chú tâm hơn, càng phải nghiên cứu nhiều hơn so với trước đây. Chính quyền địa phương buộc phải nghĩ ra những cách làm khác nhau thì mới có thể giải quyết được. Nếu chúng ta làm theo kiểu cào bằng thì nó sẽ xảy ra sự xô dịch, có nơi thừa giả tạo, có nơi thiếu giả tạo. Khi mà mức giá chênh lệch hợp lý sẽ không xảy ra tình trạng thừa thiếu đó.

Khi mà kinh tế càng phát triển, đô thị càng phát triển thì các vấn đề nảy sinh của đô thị càng phức tạp hơn, đòi hỏi chính quyền địa phương càng phải chú tâm hơn, càng phải nghiên cứu nhiều hơn so với trước đây.

Cho nên tôi nghĩ rằng cái đó chính là trách nhiệm của chính quyền. Chính quyền phải nghiên cứu rất kỹ đến khả năng đóng tiền của người dân và đưa ra mức giá thuê phù hợp. Nếu đưa ra mức giá thuê cao hơn mức thu nhập mà người lao động có thể kiếm được thì người ta sẽ không thuê, bớt đi những người ngồi bán vỉa hè. Tuy nhiên số lượng người nghèo và cận nghèo tăng lên. Các vấn đề xã hội như cái cầu bập bênh, làm được cái này lại phát sinh vấn đề kia. Cái khó của chính quyền và của các nhà nghiên cứu làm thế nào để cân bằng tương đối, không phải cân bằng tĩnh mà là cân bằng động luôn luôn noi theo thị trường.

Thưa ông, vấn đề khai thác nguồn lực từ vỉa hè phục vụ cho tái đầu tư được nhiều người dân quan tâm. Vậy, quản lý không gian công cộng như thế nào để tránh tình trạng thất thoát lãng phí như vụ biển quảng cáo, tuyên truyền mà báo chí phanh phui mới đây?

Tôi cho rằng chúng ta quản lý vỉa hè và thu phí thì không nên đặt mục tiêu thu ngân sách, thu tài chính quá cao mà mục đích chính của chúng ta là làm thế nào để mà giải quyết được vấn đề đời sống đô thị hài hòa, giải quyết cho giao thông đi lại cho cảnh quan. Số tiền thu được rất nhỏ so với chi phí mà chúng ta buộc phải chỉnh trang vỉa hè.

Ví dụ như Hà Nội lát đá vỉa hè có tuổi thọ mấy chục năm nhưng mới được 2-3 năm đã vỡ hết. Tôi cho rằng, không phải tiền thu tiền sử dụng vỉa hè để có thể chỉnh trang vỉa hè mà vẫn là đầu tư của Nhà nước, lấy từ ngân sách từ những nguồn thu khác. Vỉa hè chỉ là giải pháp mang tính công bằng xã hội, đặt mục tiêu công bằng xã hội và mưu sinh của người dân cao hơn chứ không đặt yếu tố tài chính cao hơn.

Nguyễn Lê

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/xac-dinh-muc-gia-cho-thue-via-he-khong-the-cao-bang-38358.html