Xác lập mô hình tăng trưởng mới: Góc nhìn chính sách
Việc xây dựng chính sách cho mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam cần chú ý đến việc tránh tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế.
Ngày 15/7/2025 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam, giai đoạn 2026 – 2030, định hướng đến 2045”.
Mô hình tăng trưởng hiện tại bộc lộ nhiều hạn chế
Diễn đàn được tổ chức nhằm đánh giá những bất cập, hạn chế cũng như các điểm nghẽn cần tháo gỡ của mô hình tăng trưởng hiện nay. Từ đó tìm ra các luận cứ khoa học để góp phần tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chia sẻ tại Diễn đàn nhiều chuyên gia có chung nhận định, trong gần 40 năm qua, Việt Nam có tốc độ và mức độ tăng trưởng ổn định. Mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua đang phát triển luôn theo xu hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được nâng cao. Cùng với việc cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược đã đưa năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện.
Tuy nhiên kinh tế Việt Nam đang chủ yếu tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, giá rẻ nhân công và thuê mặt bằng kinh doanh. Những điều này tỏ ra không còn phù hợp trong bối cảnh chuyển biến rất nhanh của kinh tế thế giới cũng như để tránh rời vào bẫy thu nhập trung bình.

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu cấp bách hiện nay. Ảnh QL
Theo nhận định của Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh, các mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như việc phát triển chưa thật vững chắc, năng suất lao động chậm được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế còn thấp; chưa phát huy được lợi thế so sánh và tận dụng các điều kiện hội nhập quốc tế; đầu tư công dàn trải, thất thoát, lãng phí,…
“Trước thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế”, ông Thanh nói.
Cải cách mô hình tăng trưởng giống như đại phẫu
Phân tích từ việc học hỏi các chuyển đổi mô hình kinh tế từng thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Đài Loan, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thế giới cho rằng, mô hình của Đài Loan là mô hình ít khiếm khuyết nhất, hài hòa nhất mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.
Tuy nhiên vẫn theo vị chuyên gia này, cần nhìn nhận việc xác lập mô hình tăng trưởng mới cần giống như một “cuộc đại phẫu” – dũng cảm tháo gỡ những phần lỗi thời, đồng thời sắp xếp lại các thành tố mới một cách bài bản.
“Việc này không thể nóng vội, càng không thể làm theo cách chắp vá mà đòi hỏi sự vào cuộc chuyên nghiệp của Nhà nước, với lộ trình rõ ràng và có tính đến các rủi ro phát sinh và cải cách”, ông Sang nói.
Theo chuyên gia này, trong khoảng 5 năm tới Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả chuyển đầu tư từ lượng sang chất, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời xây dựng được hệ thống động lực mới, đồng thời có các giải pháp để tăng chất lượng thể chế.
Chia sẻ điểm nhìn này, chuyên gia Nguyễn Bá Hùng, Văn phòng Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) tại Việt Nam cho rằng mô hình tăng trưởng dài hạn của nhiều nền kinh tế cho thất có vai trò quan trọng của thể chế và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên ông Hùng cho rằng, các thể chế và chính sách cần tiên lượng được cũng như tránh tạo ra các rủi ro cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp.
“Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho phát triển các thành phần kinh tế. Cụ thể là cần nhận diện và quản lý ảnh hưởng của doanh nghiệp lớn lên chính sách. Chính phủ cần thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo kết quả đạt được, tập trung vào nghiên cứu phát triển, không phân biệt loại hình doanh nghiệp”, ông Hùng nói.
Theo Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh. Đây là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình, tình trạng chung của hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới chưa thể vượt qua.