'Xanh hóa' giao thông, 'xanh hóa' cuộc sống...

Những ngày này, Hà Nội đang trong 'mùa ô nhiễm không khí'. Trong bối cảnh đó, vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon trong hoạt động giao thông vận tải để bảo vệ môi trường lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết...

Triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành Giao thông vận tải, ngày 28-2-2024, Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 1579-TB/TU chỉ đạo xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”. Tại kỳ họp thứ mười bảy (ngày 2-7-2024), HĐND thành phố Hà Nội đã thống nhất việc xây dựng và triển khai đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh… Tiếp đó, ngày 18-11-2024, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 6004/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”. Đây là giải pháp quan trọng nhằm thay đổi bộ mặt giao thông, đô thị, góp phần giúp Hà Nội sạch hơn, xanh hơn. Mục tiêu của Đề án là tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70%-90% và đến năm 2035 đạt 100%.

Trước yêu cầu phát triển bền vững, các quốc gia công nghiệp phát triển, như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, chuyển đổi sử dụng xe buýt điện. Tại Hà Nội, Công ty TNHH Dịch vụ & Vận tải sinh thái Vinbus đã đưa vào vận hành 138 xe buýt điện trên 9 tuyến.

Xe buýt điện có nhiều ưu điểm so với xe buýt truyền thống, như: Tiêu thụ ít năng lượng hơn, ít tiếng ồn hơn, phát thải hạt thấp hơn, ít CO2 hơn, chi phí vòng đời thấp hơn và dịch vụ đáng tin cậy. Việc sử dụng xe buýt điện không chỉ giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong đô thị. Đồng thời, hiệu suất sử dụng của xe buýt điện cao hơn xe buýt thông thường, chi phí đầu tư rẻ hơn so với BRT và đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, cùng với việc chưa hoàn thiện cơ chế chính sách để chuyển đổi sang xe buýt điện, chi phí đầu tư cao hơn xe buýt truyền thống là rào cản không nhỏ để “xanh hóa” hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô. Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng cho xe buýt điện cũng còn không ít vấn đề cần lưu tâm. Đơn cử như các trạm sạc tập trung, công suất cao cần được bố trí phù hợp đáp ứng nhu cầu vận hành của xe buýt, song song với việc tránh tác động đến lưới điện của thành phố...

Một giải pháp quan trọng mang tính chiến lược là xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ toàn diện phát triển phương tiện thân thiện môi trường, như hỗ trợ tài chính cho nhà sản xuất và người sử dụng; quyết liệt hạn chế phương tiện cá nhân và khuyến khích sử dụng các loại hình vận tải công cộng thân thiện môi trường (xe buýt, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng...). Trong đó, cơ quan quản lý cần xây dựng một lộ trình phát triển khả thi, rõ ràng, khoa học cho từng loại hình phương tiện; có sự phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các ngành liên quan… Bên cạnh đó, các chính sách “mềm” để điều chỉnh thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng cũng cần được nghiên cứu, áp dụng.

Đã đến lúc phải nhanh chóng lựa chọn các xu thế, mô hình công nghệ giao thông công cộng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và nguồn lực để xây dựng lộ trình phát triển với tầm nhìn dài hạn là "xanh hóa" giao thông công cộng, góp phần "xanh hóa" môi trường sống…

Đoàn Nam

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xanh-hoa-giao-thong-xanh-hoa-cuoc-song-685106.html