'Xanh hóa' sản xuất và tiêu dùng: xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc 'xanh hóa' sản xuất và tiêu dùng không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu. Các chiến dịch trồng hàng trăm nghìn cây xanh, chuyển đổi năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa... là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của DN trên hành trình phát triển bền vững.

Các chuyên gia nhận định rằng, công nghệ xanh là chìa khóa cho sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Các chuyên gia nhận định rằng, công nghệ xanh là chìa khóa cho sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Kiên định triển khai bốn trụ cột chiến lược

Những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải quyết bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời đạt tốc độ phát triển vượt bậc. Điều này góp phần thúc đẩy cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa các cam kết này, cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, DN, cùng với lộ trình thực hiện từ Chính phủ và cả hệ thống chính trị.

Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình này nhấn mạnh việc thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; đồng thời thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang kiên định triển khai bốn trụ cột chiến lược thông qua một loạt các Nghị quyết then chốt, tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, bao gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW định hướng đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW tập trung đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; và Nghị quyết số 68-NQ/TW tăng cường phát triển kinh tế tư nhân.

Cùng với hàng loạt chính sách triển khai đồng bộ, những Nghị quyết này không chỉ củng cố niềm tin vào sự phát triển vượt bậc của sản phẩm xanh trên hệ thống phân phối, mà còn đưa sản phẩm xanh trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, bên cạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất các sản phẩm tiêu dùng bền vững, việc hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý và chế tài để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định là yếu tố then chốt và không thể thiếu, đảm bảo một thị trường công bằng, minh bạch và phát triển bền vững.

Giúp doanh nghiệp mở rộng cánh cửa bước vào “kỷ nguyên xanh”

Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề “Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức vừa qua nằm trong chuỗi sự kiện “Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững năm 2025” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, tiêu dùng bền vững không còn là lựa chọn mang tính đạo đức, mà đã trở thành một trụ cột chiến lược của phát triển quốc gia. Vì thế, các cơ quan liên quan cần làm cho tiêu dùng bền vững trở nên dễ tiếp cận, dễ thực hiện và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Theo số liệu của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm (giai đoạn 2021 - 2023). Khoảng 2/3 người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh để bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Nhưng theo các chuyên gia, sản xuất xanh đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho các DN. Đó là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, cùng quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu, khiến nhiều DN còn e ngại, chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, dù đây là xu hướng tất yếu, đặc biệt khi hướng tới thị trường xuất khẩu. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Giám đốc Truyền thông đối ngoại và Phát triển bền vững của Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi cho biết, Công ty đã phát triển kinh tế tuần hoàn bằng cách thu gom tái chế và tái chế từ rác thải nhựa thành bao bì sản phẩm. Trong 3 năm qua, Unilever đã hợp tác với các đối tác thu gom tái chế như Viet Cycle hoặc Duy Tân, nên mỗi năm đã tái chế được khoảng 13.000 - 15.000 tấn rác thải nhựa, đồng thời hơn 70% bao bì của Unilever đều có thể tái chế được.

Về khó khăn trong hoạt động này, theo bà Lê Thị Hồng Nhi, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đủ sạch, công nghệ tái chế trong nước chưa phát triển đủ khiến giá thành của nhựa tái sinh cao hơn 20% so với nhựa nguyên sinh. Đại diện Unilever Việt Nam đề xuất cần có chính sách ưu đãi cho những DN sử dụng vật liệu tái sinh trong sản xuất, bao bì; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho các DN đầu tư công nghệ tái chế, phát triển ngành tái chế tại Việt Nam… để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Từ góc độ DN nhỏ, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Sông Hồng (chuyên sản xuất ống hút từ rau củ) Lê Văn Tám đã chia sẻ “nỗi buồn” là DN đã làm ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, đúng chủ trương của Nhà nước nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại không dùng do “lối tư duy ngược”. Trong khi theo thống kê, mỗi năm người Việt Nam dùng hết 5,3 tỷ ống hút, nên chỉ một vài % ống hút nhựa cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh việc mong muốn các cơ quan quản lý nâng cao ý thức, hành vi tiêu dùng xanh, ông Lê Văn Tám mong muốn nhận được thêm sự đồng hành, hỗ trợ về nguồn vốn, do các DN siêu nhỏ thường rất khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Hơn nữa, các chuyên gia cũng đề nghị cần minh bạch thông tin về sản phẩm, để không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là công cụ hữu hiệu để phân biệt sản phẩm bền vững, từ đó định hướng và khuyến khích tiêu dùng có trách nhiệm. Các chuyên gia nhận định rằng, vấn đề cốt lõi là ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh với chi phí phù hợp vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Trịnh Anh Tuấn cho rằng, khoa học, công nghệ xanh được xem là “chìa khóa” giúp DN mở rộng cánh cửa bước vào “kỷ nguyên xanh”. Công nghệ không chỉ là “chiếc gậy phép” hỗ trợ DN tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường, mà còn tăng cường minh bạch thông tin, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xanh-hoa-san-xuat-va-tieu-dung-xu-huong-tat-yeu-423815.html