XÂY DỰNG LUẬT NHÀ GIÁO: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ VỮNG CHẮC VÀ TOÀN DIỆN BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÀ GIÁO
Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 05 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Theo đó, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo;...
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta đã xác định quan điểm xuyên suốt qua các thời kỳ “Thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Đảng ta luôn xác định giáo dục là sự nghiệp của Đảng, toàn dân, là quốc sách hàng đầu, đặc biệt coi trọng vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hệ thống pháp luật thực định quy định về nhà giáo còn nhiều bất cập
Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam đã xác định: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" (Điều 61). Trong đó, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo.
Theo kết quả rà soát, thống kê của Bộ GDĐT, trong giai đoạn 2010-2021, các cơ quan có thẩm quyền các cấp đã ban hành gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo, cụ thể như sau:
Về văn bản Luật, có 04 Luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014;...
Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cũng chịu sự chi phối của một số Luật, bao gồm: Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2018; Luật tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019; Luật công đoàn năm 2012; Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Bộ Luật lao động năm 2019, Luật người khuyết tật năm 2010; Luật thể dục, thể thao năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao năm 2018...
Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã ban hành hơn 100 văn bản dưới Luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật nêu trên.
Tuy nhiên, qua rà soát, tổng kết, đối chiếu với nhu cầu thực tế của đội ngũ nhà giáo và các chính sách, pháp luật hiện có về nhà giáo vẫn cho thấy những tồn tại, hạn chế lớn, có tác động cơ bản đến tương lai của nền Giáo dục Việt Nam, cụ thể: Hệ thống pháp luật về nhà giáo hiện hành chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo. Quy định về nhà giáo chủ yếu ở các văn bản dưới luật. Một số văn bản luật liên quan đã có các chương, điều quy định về nhà giáo hoặc đưa ra các chế tài để quản lý nhà giáo nhưng do áp dụng chung với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác nên chưa thể hiện được đặc trưng cơ bản của nhà giáo và nghề dạy học. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa đầy đủ và tường minh về nhà giáo. Trong khi đó, so với nhiều ngành khác, hoạt động giáo dục, giáo dưỡng của nhà giáo trong ngành giáo dục và đào tạo có những đặc điểm đặc trưng, riêng biệt.
Cần văn bản pháp lý có giá trị cao quy định cụ thể
Theo Bộ GD&ĐT, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Như vậy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn phát triển đội ngũ nhà giáo đang gặp rất nhiều vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ, cụ thể:
Một là, cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn mất cân đối; vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nếu xây dựng được 01 luật riêng điều chỉnh về nhà giáo sẽ giúp giải quyết căn cơ vấn đề này.
Hai là, việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập; việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc bộ một số hạn chế: tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm, nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác.
Ba là, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung gặp nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học. Số lượng biên chế tinh giản trong ngành giáo dục chủ yếu là do giáo viên nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới.
Bốn là, các chính sách tiền lương mặc dù đã được quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, là "nhân lực của nhân lực" thì điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có các quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động của nhà giáo.
Năm là, thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và tham gia tuyển dụng nhà giáo nên một số môn học, cấp học còn xảy ra tình trạng thiếu nguồn để tuyển dụng.
Sáu là, chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật viên chức chủ yếu quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức. Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.
Do vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo là thực sự cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.
05 chính sách lớn trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo
Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023, phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023. Trong nghị quyết này, Chính phủ thông qua 5 chính sách quan trọng trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Theo đó, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành luật và 05 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành..../.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77806