Xây dựng môi trường văn hóa học đường

Văn hóa học đường được xem là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng đến việc phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh (HS). Để làm tốt điều này, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ.

Ban hành các quy tắc ứng xử

Với mục tiêu phát triển HS toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, những năm qua, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, Trường THCS Lý Thường Kiệt (thị xã Ninh Hòa) còn chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa học đường. Thầy Ngô Xuân Quang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, trường có 620 HS và 34 cán bộ quản lý, giáo viên (GV), nhân viên. Nhà trường đã ban hành quy tắc ứng xử dành cho HS, đồng thời xây dựng nền nếp, tác phong làm việc của cán bộ quản lý, GV, nhân viên trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, tự giác, kỷ luật. Bên cạnh đó, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan trường học, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao... Các quy định, hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong tập thể, xây dựng bầu không khí học tập và làm việc dân chủ, cởi mở trong toàn trường. Tuy vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa học đường vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật đến HS, phụ huynh chưa được thường xuyên, chủ yếu lồng ghép trong các buổi chào cờ, hoạt động giữa giờ, hoạt động trải nghiệm; vẫn còn tình trạng một số HS phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, chưa thân thiện, chưa hợp tác giúp đỡ bạn, tạo nên những hình ảnh chưa đẹp trong môi trường văn hóa học đường.

Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (thị xã Ninh Hòa).

Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (thị xã Ninh Hòa).

Bộ quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ giữa GV với HS, GV với nhau đã được Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Cam Ranh) thực hiện trong những năm qua, với các quy định cụ thể về thực hiện cũng như các hình thức xử lý vi phạm. Cô Nguyễn Thị Yến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay, trường có hơn 1.300 HS của 31 lớp và 87 cán bộ, GV, nhân viên. Những chuẩn mực về hành vi, thái độ của GV từ lời nói, cử chỉ đến thái độ ứng xử hàng ngày là tấm gương để HS noi theo, giúp quan hệ giữa thầy trò được gần gũi, thân thiện. Nhà trường đã tổ chức nhiều phong trào, hoạt động nhằm giúp GV, HS tăng cường học hỏi, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, nâng cao tinh thần đoàn kết, tạo động lực phấn đấu trong công tác, học tập, rèn luyện và xây dựng tập thể. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít HS chưa chấp hành nội quy, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm quy tắc ứng xử của trường. Nhà trường đã phối hợp với gia đình giáo dục, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức

Ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử. Nhiều trường đã đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp thông qua các hoạt động giáo dục chính khóa, ngoại khóa; thành lập bộ phận tư vấn tâm lý, bước đầu đi vào hoạt động ổn định với các nội dung tư vấn về tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, quan tâm giáo dục kỹ năng ứng xử, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập và định hướng nghề nghiệp; tham vấn tâm lý đối với HS gặp khó khăn cần hỗ trợ... Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, môi trường văn hóa học đường đã và đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có tác động tiêu cực từ mặt trái của mạng xã hội, các ấn phẩm văn hóa độc hại; sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội ở một số nơi... đã ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, thái độ và hành vi của một bộ phận HS. Một vài trường hợp cá biệt GV có hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống thời gian qua cũng đã ảnh hưởng đến tập thể nhà trường và toàn ngành Giáo dục. Để xây dựng văn hóa học đường cần phải gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện trong cán bộ quản lý, GV, người lao động và HS; tăng cường quản lý nền nếp, chất lượng dạy và học. Trong đó, cần phát huy vai trò nêu gương của người thầy, để mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới, sáng tạo, ý chí phấn đấu, khát vọng cống hiến cho HS. Bên cạnh đó, cần quan tâm, bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước cho HS thông qua việc đổi mới dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm, câu lạc bộ, hoạt động thể dục, thể thao trong và ngoài nhà trường, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tri ân, đền ơn đáp nghĩa...

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202409/xay-dung-moi-truong-van-hoa-hoc-duong-cf265b5/