Xây dựng tiêu chí để tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng tiêu chí để đánh giá chặt chẽ, cẩn trọng về lợi ích của các bên khi tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao.
Tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra chiều 11/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ đã nhận được một số đề xuất từ các nhà đầu tư quan tâm đến việc tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy.
Ông Nguyễn Danh Huy nêu rõ, bước đầu tiên, Bộ sẽ hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án tuân thủ đầy đủ quy định tại Luật Đầu tư, trong đó nêu rõ các yêu cầu chi tiết mà nhà đầu tư cần đáp ứng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đánh giá một cách toàn diện lợi ích khi chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư công sang đầu tư tư nhân.
"Việc đánh giá tập trung vào lợi ích mang lại cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, trên nguyên tắc cẩn trọng và kỹ lưỡng", ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, cho biết Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đang phối hợp xây dựng các tiêu chí đánh giá hồ sơ đề xuất.
"Trên cơ sở đó, Bộ đã có văn bản gửi tới tất cả các nhà đầu tư quan tâm, trong đó nêu rõ thời hạn nộp hồ sơ. Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Bộ Xây dựng sẽ cùng Bộ Tài chính đánh giá và tổng hợp báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét", Thứ trưởng nói.
Giới thiệu một số điểm mới của Luật Đường sắt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, từ trước tới nay, các dự án đường sắt đều được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Quy định mới của Luật đã mở ra cơ hội để huy động tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển hệ thống đường sắt.
Song, Luật vẫn có các quy định ràng buộc, kiểm soát, bảo đảm vừa huy động được nguồn lực tư nhân vừa giữ được vai trò quản lý của Nhà nước đối với hệ thống đường sắt.
Đáng chú ý, Luật mới bổ sung các quy định về quản lý chi phí đầu tư nhằm giải quyết vướng mắc trong quá trình xác định chi phí đối với những công trình, hạng mục, thiết bị mà Việt Nam chưa có; bổ sung quy định để giải quyết vướng mắc về hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng đầu tư xây dựng đường sắt áp dụng theo mẫu hợp đồng FIDIC trong thời gian qua.
Luật Đường sắt cũng có các quy định nhằm đẩy nhanh nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần giảm thời gian chuẩn bị, sớm triển khai và đưa dự án vào khai thác hiệu quả. Bên cạnh các cơ chế thông thoáng nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án đường sắt, luật bổ sung nội dung về bảo đảm phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
"Việc này để vừa khơi thông, tháo gỡ nhưng cũng có cơ chế kiểm soát của Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lãng phí, tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy phép xây dựng, luật đã sửa đổi ngay quy định của Luật Xây dựng", ông Nguyễn Danh Huy nhận định.
Từ ngày 1/7, các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ được miễn giấy phép xây dựng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy nêu rõ đây cũng là điểm mới mang tính đột phá của luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.