Xỉ than, cát biển là 'cứu cánh' cho hạ tầng giao thông phía Nam?

Thiếu cát phục vụ đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm phía Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đang ảnh hưởng lớn về tiến độ hoàn thành. Vậy, các bộ, ngành và địa phương liên quan có kế hoạch ứng phó ra sao trước một tình thế khó khăn hiện nay?

Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở ĐBSCL và Đông Nam bộ thiếu hụt hàng chục triệu m3 cát. Ảnh: Trung Chánh

Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở ĐBSCL và Đông Nam bộ thiếu hụt hàng chục triệu m3 cát. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ triển khai 6 dự án cao tốc, bao gồm cao tốc Cần Thơ- Cà Mau; Châu Đốc (An Giang)- Cần Thơ- Sóc Trăng; Cao Lãnh- An Hữu; Mỹ An- Cao Lãnh; Biên Hòa- Vũng Tàu và dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

Công trình trọng điểm thiếu cát rất lớn!

Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang triển khai như nêu trên sẽ cần một lượng rất lớn nguồn vật liệu để đắp nền đường.

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phí Nam diễn ra hôm 24-6 ở tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, vấn đề khó khăn nhất đối với các dự án hiện nay là nguồn cát đắp nền đường.

Theo ông, tổng nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án là khoảng 65 triệu m3, trong đó, cao tốc là 63,05 triệu m3 và còn lại 1,95 triệu m3 là dụ án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi- Bến Nhất và Gò Quao- Vĩnh Thuận.

Cụ thể, đối với cao tốc Cần Thơ- Cà Mau (kế hoạch hoàn thành năm 2025), tổng nhu cầu cát là 18,5 triệu m3, nhưng chỉ mới xác định được nguồn 16 triệu m3, tức còn 2,5 triệu m3 vẫn chưa có nguồn cung.

Còn cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng (kế hoạch hoàn thành năm 2027), tổng nhu cầu cát là 28,92 triệu m3, nhưng mới xác định được nguồn 18,41 triệu m3, tức còn thiếu hụt 10,51 triệu m3.

Cao tốc An Hữu- Cao Lãnh (kế hoạch hoàn thành năm 2027), tổng nhu cầu cát là 3,25 triệu m3, nhưng chỉ mới xác định được nguồn 2,3 triệu m3, tức còn thiếu 0,95 triệu m3; cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh (kế hoạch khởi công đầu năm 2025 và hoàn thành năm 2028) nhu cầu cát là 3,1 triệu m3, thì UBND tỉnh Đồng Tháp cam kết cung cấp đủ nguồn cho dự án này.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi- Bến Nhất và Gò Quao- Vĩnh Thuận (kế hoạch hoàn thành 2025) hiện còn thiếu hụt 1,851 triệu m3.

Riêng với đường Vành Đai 3 TPHCM (hoàn thành 2026), ông Lâm cho biết, tổng nhu cầu là 9,27 triệu m3, nhưng hiện nguồn cát thương mại cung cấp cấp chỉ 0,675 triệu m3 (số đã đưa vào công trường là 0,37 triệu m3). Điều này có nghĩa dự án còn thiếu hụt nguồn cát lên đến khoảng 8,6 triệu m3. TPHCM đã chủ động làm việc với các địa phương như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, nhưng chưa thống nhất được khối lượng cung ứng.

Rõ ràng, với các dự án giao thông trọng điểm được triển khai giai đoạn 2021-2025 ở ĐBSCL và Đông Nam bộ như nêu ở trên, hiện nguồn cát phục vụ cho các dự án đang thiếu hụt rất lớn, lên đến hàng chục triệu m3.

Xỉ than nhà máy nhiệt điện than của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Ảnh: Trung Chánh

Xỉ than nhà máy nhiệt điện than của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Ảnh: Trung Chánh

Sử dụng 4 triệu tấn xỉ than nhiệt điện Duyên Hải?

Trước những khó khăn đã nêu, vấn đề sử dụng gần 4 triệu tấn xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) đã được đặt ra.

Báo cáo của Công ty nhiệt điện Duyên Hải cho thấy, từ năm 2016 đến ngày 18-6-2024, tổng lượng tro xỉ phát sinh từ 3 nhà máy của đơn vị này, gồm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng là khoảng 10,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo ông Âu Nguyễn Đình Thảo, Phó giám đốc Công ty nhiệt điện Duyên Hải, đến ngày 18-6-2024, đơn vị này vẫn còn hơn 3,905 triệu tấn xỉ than lưu trữ tại bãi (tổng lượng xỉ đã bán là khoảng 6,6 triệu tấn) chưa tiêu thụ được.

Ông Thảo cho biết, sản phẩm xỉ than của đơn vị này hàng năm đều được Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, lấy mẫu thử nghiệm và cấp chứng nhận. “Tro xỉ của chúng tôi được lấy mẫu thử hàng năm với kết quả các chỉ tiêu đều nằm dưới ngưỡng cho phép theo quy chuẩn Việt Nam (khi xem xét vấn đề có nhiễm phóng xạ hay không)”, ông Thảo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Thảo cho rằng, do vướng quy định trong Quyết định 216/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về “Ban hành chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp” là phải kiểm soát vấn đề phóng xạ trong quá trình xây dựng, san lấp mới được. “Phóng xạ là không có và công ty đã có giấy kiểm định hàng năm, nhưng các đơn vị san lấp rất ngại vấn đề này vì không biết kiểm soát là kiểm soát thế nào!”, ông Thảo cho biết.

Liên quan nội dung nêu trên, theo ông Bùi Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tro xỉ được sử dụng vào các mục đíchgồm san lấp, làm phụ gia cho xi măng, phụ gia bê tầng và các công trình đường xi măng giao thông nông thôn.

“Đây là nội dung đã được Bộ Xây dựng giao Viện vật liệu xây dựng phối hợp trường Đại học Xây dựng vào năm 2019 và đã gửi Bộ Khoa học Công nghệ công bố tiêu chuẩn tro xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường ô tô- yêu cầu kỹ thuật, thi công và nghiệm thu (TCVN 12660:2019)”, ông Dũng nhấn mạnh và nói rằng, việc sử dụng tro xỉ, thì quy chuẩn đã có quy định và các tiêu chuẩn áp dụng.

Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ sẽ cử cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác định tro xỉ nhà máy nhiệt điện Duyên Hải có nhiễm phóng xạ hay không. “Trước ngày 2-7, chúng tôi sẽ cử người đi ngay để kiểm tra về chất phóng xạ có hay không”, ông nói.

Trước vấn đề nêu trên, ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Trà Vinh, Tổng công ty phát điện 1 (đơn vị quản lý Công ty nhiệt điện Duyên Hải) và các đơn vị liên quan xem xét để huy động gần 4 triệu tấn xỉ than nêu trên. “Trước ngày 20-7, phải báo cáo Thủ tướng về việc có sử dụng hay không. Nếu sử dụng được, thì phân bổ ở đâu?”, ông Hà chỉ đạo.

Theo Phó Thủ tướng Hà, Công ty nhiệt điện Duyên Hải và đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm khi công bố tro xỉ không nhiễm phóng xạ. “Phải đáp ứng được mới làm, chứ không phải cứ muốn làm là được”, ông nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại buổi làm việc là cần linh hoạt nguồn cát giữa các dự án. Ảnh: Trung Chánh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại buổi làm việc là cần linh hoạt nguồn cát giữa các dự án. Ảnh: Trung Chánh

‘Linh hoạt’ nguồn cát sông, sẵn sàng cát biển

Để đảm bảo tiến độ các dự án, nhất là với cao tốc Cần Thơ- Cà Mau sẽ hoàn thành vào năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần thiết phải điều tiết nguồn cát giữa các dự án với nhau nhằm tập trung, đảm bảo tiến độ đúng kế hoạch. “Công trình trọng điểm quốc gia mà để chậm tiến độ là không chấp nhận được”, ông nói.

Để giải quyết vấn đề, ông Hà yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải làm việc cụ thể về chuyện điều tiết nguồn cát từ cao tốc trục ngang (Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng) sang cao tốc trục dọc (Cần Thơ- Cà Mau). “Đây là chúng ta đang cân nhắc tính linh hoạt trong vấn đề phân bổ công suất các mỏ và việc này là cần thiết”, ông nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với 4 mỏ của tỉnh An Giang cung cấp cho cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, ngay trong tuần này phải đưa đầy đủ hồ sơ, có ý kiến của Bộ về điều tiết các mỏ. Đồng nghĩa với việc có thể chuyển cung cấp từ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng sang cao tốc Cần Thơ- Cà Mau.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng yêu cầu việc điều chuyển nguồn này không làm thay đổi tổng mức phân bổ của địa phương. Việc điều tiết này do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì và giao cho các nhà thầu thực hiện. Còn nếu thuộc thẩm quyền của địa phương, thì sau khi có hồ sơ tôi sẽ có quyết định giao lại cho đúng pháp luật để thực hiện.

Một điểm đáng lưu ý theo chỉ đạo của Chính phủ, đó là phải xác định được nguồn cung từ cao tốc trục dọc Cần Thơ- Cà Mau để hoàn trả lại cho trục ngang Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng. “Phải chỉ ra mỏ nào ở tuyến dọc phải trả lại cho trục ngang”, ông Hà nói.

Rõ ràng, việc điều chuyển linh hoạt nguồn cát như nêu trên là cần thiết nhằm tập trung nguồn lực cho dự án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, thay vì dàn trải dẫn đến không đảm bảo được tiến độ.

Ngoài việc linh hoạt như nêu trên, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định, sẵn sàng chia sẻ nguồn cát biển của địa phương cho các tỉnh, thành và các chủ đầu tư có nhu cầu sử dụng để thực hiện các dự án.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương đã có văn bản gửi 29 tỉnh, thành phố có 21 dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn (các dự án áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội) để đăng ký trữ lượng cát biển của địa phương.

Đối với việc khai thác cát biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, theo ông Lâu, về hồ sơ, quy trình thủ tục địa phương đã đầy đủ, nhưng đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chấp thuận giao khu vực biển nữa là sẵn sàng khai thác. “Dự kiến, sáng thứ 7, tức ngày 29-6, chúng tôi sẽ cùng Ban quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức khai thác”, ông Lâu thông tin.

Phó thủ tướng Hà yêu cầu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đến thứ 6, tức ngày 27-6 phải có văn bản chấp thuận giao khu vực biển để đơn vị thi công thực hiện khai thác đúng kế hoạch. “Nếu Bộ Tài Nguyên và Môi trường chậm trễ sẽ tự chịu trách nhiệm”, ông nói

Ông Lâu của Sóc Trăng kiến nghị, các tỉnh và chủ đầu tư nếu có nhu cầu sử dụng cát biển theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, thì sớm đăng ký với tỉnh để lập quy trình thủ tục nhằm đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải cho ý kiến và giao khu vực biển càng sớm càng tốt.

Liên quan sử dụng cát biển, phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải chính thức có văn bản công bố quy chuẩn, định mức với Bộ Xây dựng càng sớm càng tốt. Trong đó, có công nghệ san lấp; cát cần đánh giá cơ lý ở đâu; san lấp phải đánh giá môi trường thế nào; phải có các vật liệu đi kèm thế nào; công nghệ thế nào; bao nhiêu…

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xi-than-cat-bien-la-cuu-canh-cho-ha-tang-giao-thong-phia-nam/