Xôi ngũ sắc: Đặc sản ẩm thực của núi rừng Xứ Lạng

Nhắc tới Lạng Sơn, bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, của những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng còn có nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn, trong đó phải kể đến món xôi ngũ sắc. Đây là món xôi độc đáo được tạo màu từ các loại cây tự nhiên, xôi ngũ sắc thường được người dân làm vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là dịp Tết Thanh minh (3/3 âm lịch).

Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn. Xôi thường được làm vào các dịp lễ, tết và trong những dịp hiếu, hỷ, đặc biệt món xôi này không thể thiếu vào dịp Tết Thanh minh. Theo đó, xôi ngũ sắc có năm màu chủ đạo như: trắng, đỏ, đen, tím, vàng, hoặc người làm có thể thay bằng màu xanh lá cây, cam, xanh than… tùy theo sở thích.

Để tìm hiểu về các công đoạn làm món xôi độc đáo này, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hường, số 226 đường Chu Văn An, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Trong lúc đang tất bật chuẩn bị các nguyên liệu, bà Hường chia sẻ: Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn độc đáo của người dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn. Gia đình tôi làm món xôi ngũ sắc đã được 25 năm để bán quanh năm và theo đơn đặt hàng của khách. Đặc biệt, hằng năm, cứ đến dịp Tết Thanh minh, gia đình tôi lại làm xôi ngũ sắc để ăn và dâng lên bàn thờ tổ tiên. Nguyên liệu chính mà tôi sử dụng để làm xôi là gạo nếp và các loại lá, củ, quả như: lá cẩm để tạo màu tím và xanh than, lá dứa để tạo màu xanh lá cây, quả gấc để tạo màu đỏ và quả dành dành để tạo màu vàng cho xôi ngũ sắc. Vào dịp Tết Thanh minh, gia đình tôi nhận làm xôi ngũ sắc để phục vụ nhu cầu của nhiều gia đình. Theo đó, từ ngày 15, 16 tháng 2 âm lịch, tôi bắt đầu nhận đơn xôi ngũ sắc, năm nay, gia đình tôi đã nhận số lượng khoảng 60 kg xôi, với giá 100.000 đồng/kg.

Để làm xôi ngũ sắc ngon, người làm thường chọn gạo nếp ong vàng, hạt gạo to tròn, chắc mẩy. Gạo nếp sau khi vo xong sẽ tiến hành ngâm trong nước cốt lá, củ, quả (đã giã hoặc đun để nguội) khoảng 10 tiếng đồng hồ để màu ngấm đều vào từng hạt gạo. Sau khi đã hoàn thành tất cả các công đoạn, người làm sẽ cho gạo vào chõ và mang lên bếp để đồ trong khoảng 1 tiếng. Trong quá trình đồ xôi, người làm phải dùng đũa tạo thành các lỗ nhỏ trên bề mặt gạo để hơi nước lan tỏa đều giúp cho hạt gạo nếp chín kỹ và đều.

Chị Nguyễn Thị Hường, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn thực hiện công đoạn ngâm gạo nếp

Chị Nguyễn Thị Hường, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn thực hiện công đoạn ngâm gạo nếp

Đối với xôi ngũ sắc, người làm có thể đồ riêng hoặc cũng có thể trộn hỗn hợp lại với nhau. Vì được tạo màu hoàn toàn từ các loại cây, củ, quả trong tự nhiên nên khi nấu màu sắc của xôi sẽ khó bị phai lẫn với nhau. Xôi ngũ sắc khi chín vẫn giữ nguyên được màu sắc đẹp mắt, có hương vị dẻo thơm của gạo nếp, vị thanh mát, đậm đà của các loại lá, củ, quả. Thông thường, xôi được ăn cùng với muối lạc để tăng thêm hương vị, tạo sức hấp dẫn cho món ăn. Khi ăn xôi ngũ sắc, người thưởng thức có thể cảm nhận rõ từng hương vị của các loại nguyên liệu được hòa quyện lại với nhau.

Theo quan niệm từ xa xưa của người đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn, xôi ngũ sắc do năm màu sắc tạo thành, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Mỗi màu sắc đều có một ý nghĩa riêng biệt, ví dụ như màu xanh thể hiện khát vọng hòa bình, màu của núi rừng đại ngàn, trời đất bao la; màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng, nguyên sơ, chân thành; màu đỏ là khát vọng sống, tinh thần đoàn kết; màu vàng của sự ấm no đầy đủ phồn thịnh; màu tím thể hiện tình yêu thủy chung sắt son, bền chặt, vĩnh cửu… Chính vì lẽ đó, vào các ngày lễ, tết, đặc biệt là dịp Tết Thanh minh, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đều làm món xôi ngũ sắc để bày biện trên mâm cỗ cúng gia tiên để thể hiện cho tấm lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên.

Bà Trần Thị Hiểu, phố Tân Long, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Từ khi còn nhỏ, tôi đã được bà và mẹ dạy cách làm xôi ngũ sắc. Sau này khi đi làm dâu, hằng năm cứ vào dịp Tết Thanh minh, tôi lại làm món xôi này để các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức, đặc biệt hơn cả là để cúng gia tiên. Cách làm xôi ngũ sắc không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, do vậy, hầu như năm nào tôi cũng làm món xôi ngũ sắc này.

Xôi ngũ sắc được đồng bào người dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn dâng kính lên tổ tiên vào các dịp lễ, tết, hiếu hỷ mang ý nghĩa thể hiện cho sự thành kính của con cháu với tổ tiên. Món xôi thơm dẻo, ngọt mềm, ngậy nhưng không hề ngấy, có thể ăn kèm với muối vừng, thịt lợn, thịt gà rất ngon, đậm vị. Nếu có dịp đến thăm Lạng Sơn, nhất là dịp Tết Thanh minh vào tháng 3 âm lịch, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món xôi ngũ sắc độc đáo này.

HIỂU LAM - MAI LINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xoi-ngu-sac-dac-san-am-thuc-cua-nui-rung-xu-lang-5042474.html