Xôi - nồng nàn 'mùi Tết'
Nhắc đến ngày Tết cổ truyền, cành đào, cây quất thường được nghĩ đến đầu tiên. Và, bên cạnh bánh chưng, mâm cỗ Tết không thể thiếu món xôi dẻo bùi, với mùi thơm dịu ngọt của gạo nếp!
Không biết từ bao giờ, người Việt đã có nếp cúng xôi trong ngày Tết, có lẽ phần nào đó là do nền văn minh lúa nước và ý nghĩa quan trọng của hạt gạo đối với đời sống người dân trên dải đất này.
Tuy mỗi vùng quê, mỗi miền đất hay mỗi gia đình lại có phong tục riêng và sở thích khác nhau trong việc nấu xôi, nhưng trong quan niệm, ai nấy đều cho rằng: Trong ngày Tết, xôi là món ăn mang ý nghĩa may mắn và biểu tượng cho sự sum vầy. Từng hạt xôi thơm, dẻo, dính, như sự gắn kết, ấm áp tình thân, như lời gọi những người con xa quê trở về...
Được nấu từ gạo nếp và thường kết hợp với ngô, gấc, lạc, đỗ xanh, đỗ đen... tạo nên món ăn thơm ngon, đầy đủ dinh dưỡng, xôi vốn là thức quà dân dã, gắn liền với cuộc sống thường nhật và có thể dễ dàng tìm thấy trong những gánh hàng quà sáng.
Ấy vậy nhưng, khi được đưa lên mâm cỗ Tết, món ăn bình dân ấy lại khoác lên mình vẻ trang trọng, sự chỉn chu từ hương vị đến hình thức, thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên.
Thông thường, món xôi được chọn trong ngày Tết sẽ có màu sắc tươi sáng, rực rỡ, mang ý nghĩa may mắn như xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi hoàng phố, xôi ngũ sắc...
Theo bà Trần Thị Bích Hằng (ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội): “Tết đến, Xuân sang, trên mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết của mọi nhà, ngoài những món ăn cổ truyền khác thì không thể thiếu đĩa xôi gấc. Cho dù cuộc sống hiện đại với sự xuất hiện của nhiều món ăn mới lạ, nhưng xôi gấc vẫn giữ được vị trí đặc biệt trên mâm cỗ cúng Tết. Đây là cách để lưu giữ những giá trị truyền thống và tiếp nối nét đẹp văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Trong quan niệm của người Việt, màu đỏ tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc.
Đặc biệt, món xôi gấc được kết hợp từ gấc đỏ màu của tự nhiên và gạo nếp thơm, như mang đến sự dung hòa, thuận lợi, nên thường được chọn trong ngày đầu năm mới.
Ông Nguyễn Văn Trịnh (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Mâm cúng những ngày Tết không thể thiếu món xôi truyền thống, điển hình là xôi gấc, vì mọi người quan niệm màu đỏ là màu mang lại may mắn cho mọi nhà”.
Bên cạnh đó, xôi xéo, xôi hoàng phố, xôi đỗ xanh cũng được nhiều gia đình ưa chuộng, bởi màu vàng óng ả của đỗ xanh, hương thơm ngọt bùi từ nếp cái hoa vàng, tượng trưng cho sự sung túc, may mắn trong năm mới. Ngoài ra, mâm cỗ Tết còn hay có xôi ngũ sắc, được chế biến cầu kỳ từ các nguyên liệu trong tự nhiên, vừa như sự tượng trưng cho ngũ hành, lại vừa thể hiện sự đủ đầy, thịnh vượng.
Càng gần Tết, làng nghề xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ) càng tất bật. Không khí khẩn trương với âm thanh “bận rộn” của nồi xoong, của các đồ dùng chuyên dụng, quyện trong mùi hương ngào ngạt của xôi mới. Nhà nào cũng đang hoạt động hết công suất để kịp phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán, không chỉ lượng đơn hàng tăng cao, mà yêu cầu về hình thức cũng cao hơn bình thường.
Bà Công Thị Mai Hiền (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) cho biết: “Làng Phú Thượng có nghề làm xôi từ bao đời nay. Người dân trong làng rất trân trọng sản phẩm truyền thống của làng. Để nấu món xôi dẻo rền, tôi chọn gạo nếp cái hoa vàng, đem ngâm từ 7 đến 8 giờ, rồi đồ hai lần. Lần một, tôi đồ chín khoảng 70-80% rồi sáng sớm hôm sau đồ lại thêm một lần nữa. Xôi là món ăn quen thuộc đối với dân làng trong ngày thường, cũng như những dịp đặc biệt như lễ hội, ngày Tết. Vào những dịp này, xôi được chế biến cầu kỳ hơn một chút, đa dạng về màu sắc hơn, để đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Ông Nguyễn Văn Trịnh trải lòng: “Vợ chồng tôi tiếp nối nghề từ thời các cụ. Ngày thường, nhà tôi đồ khoảng 40-50 kg gạo, còn ngày tuần thì nhiều hơn gấp đôi. Đặc biệt, vào dịp Tết, chúng tôi phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ rất sớm, để phục vụ người dân đón Tết”.
Những người làm xôi ở làng Phú Thượng cho biết, mỗi dịp Tết Nguyên đán, họ thường phải rục rịch chuẩn bị nguyên liệu dần từ trước vài tháng.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã thay thế bếp than, bếp củi bằng bếp điện, bếp ga, rồi chõ xôi thủ công cũng được thay thế bằng những chõ điện kích thước lớn, mang lại hiệu quả cao và giảm sức lao động cho người làm.
Mặc dù vậy, để có được hương vị thơm ngon nức tiếng gần xa, mỗi gia đình, mỗi người “thợ xôi” vẫn luôn giữ gìn và lưu truyền những bí quyết riêng. Nhờ đó, nghề làm xôi làng Phú Thượng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/xoi-nong-nan-mui-tet-813103