Xuất khẩu cà-phê xác lập kỷ lục mới
Sáu tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam đạt 5,45 tỷ USD với 953.900 tấn, gần bằng kim ngạch cả năm 2024 là 5,48 tỷ USD. Giữ vững các thị trường truyền thống, tăng cường xuất khẩu cà-phê chế biến sâu là giải pháp để ngành hàng này cán mốc mục tiêu 7 tỷ USD cả năm 2025.

Kiểm soát chất lượng cà-phê xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. (Ảnh MINH ANH)
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết: Kim ngạch xuất khẩu cà-phê tăng mạnh trong 6 tháng vừa qua nhờ giá xuất khẩu cà-phê trung bình của Việt Nam ở mức cao, đạt hơn 5.700 USD/tấn, tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cà-phê tăng cao một phần do biến động về nguồn cung cà-phê của thị trường thế giới, phần khác nhờ chất lượng cà-phê Việt Nam được cải thiện rất nhiều trong 10 năm trở lại đây. Các nhà rang xay nổi tiếng ở châu Âu, Mỹ, Italia đều biết đến và dùng cà-phê Robusta của Việt Nam.
Từ năm 2023, giá cà-phê xuất khẩu liên tục lập đỉnh, dự báo năm 2025 cũng vậy. Hiện nay, Phúc Sinh tiếp tục phát triển dòng cà-phê đặc sản từ cà-phê Arabica vùng Tây Bắc, là Honey Process Coffee và Natural Process Specialty Coffee.
Nhờ các thuộc tính đặc biệt như hương vị, độ chua, độ ngọt, độ cân bằng, độ sạch nên cà-phê đặc sản có giá trị gia tăng cao và được khách hàng tại nhiều quốc gia ưa chuộng.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà-phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng qua, chiếm thị phần lần lượt 16,3%, 7,9% và 7,4%. Tính riêng năm tháng đầu năm 2025, sang Đức tăng 2,2 lần, Italia tăng 45,1%, Tây Ban Nha tăng 55,8%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu cà-phê tăng mạnh nhất ở thị trường Mexico với mức tăng 71,6 lần; Trung Quốc dù mức tăng thấp nhất nhưng cũng đạt 22,9%.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà-phê Arabica và cà-phê chế biến tăng cho thấy ngành cà-phê Việt Nam đang có xu hướng đầu tư mạnh vào công nghệ và vùng nguyên liệu Arabica, chuyển sang xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản với sản phẩm chất lượng cao.
Bên cạnh đó, có mức tiêu thụ cà-phê tăng cũng tạo ra dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như Anh, Canada.
Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ chế biến sạch, xây dựng thương hiệu uy tín và bền vững, đồng thời tận dụng hiệu quả lợi thế thuế quan từ hiệp định thương mại tự do đã ký với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết: 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam sang EU đạt 983,2 triệu EUR, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà-phê thô, chưa tạo được giá trị gia tăng cao nên lợi nhuận còn thấp.
“Để khai thác hiệu quả thị trường EU, các doanh nghiệp cần tập trung vào dòng sản phẩm khác biệt, gồm: Cà-phê chất lượng cao, cà-phê chế biến, cà-phê có chứng nhận và cà-phê đặc sản.
Bên cạnh đó, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch với việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường; trong khi người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa cho nên doanh nghiệp cần nhanh nhạy bắt kịp xu hướng này”, ông Quân khuyến cáo.
Kỷ lục kim ngạch xuất khẩu đạt 5,45 tỷ USD trong nửa đầu năm 2025 không chỉ phản ánh sức bật của ngành cà-phê Việt Nam, mà còn cho thấy nhu cầu lớn của thị trường thế giới đối với mặt hàng này.
Trong bối cảnh giá cà-phê thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới, trong khi sản lượng tại nhiều quốc gia có sự giảm sút thì cà-phê Việt Nam đang có nhiều cơ hội để “lập đỉnh” mới cả về giá bán và kim ngạch nếu sớm thực hiện dịch chuyển mạnh mẽ từ xuất khẩu nguyên liệu sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu với các dòng cà-phê hòa tan, cà-phê đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xuat-khau-ca-phe-xac-lap-ky-luc-moi-post893757.html