Xuất khẩu dệt may tháng 4 tăng 15%, dự báo đơn hàng quý III vẫn tốt

Trước áp lực thuế quan, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 4 tăng 15% so với cùng kỳ, lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 11%. Đơn hàng trong quý III được dự báo có thể vẫn tốt, tuy nhiên từ quý IV sẽ bắt đầu sụt giảm, đòi hỏi cần có giải pháp trong ngắn và dài hạn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành.

Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5 do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức sáng nay 14/5, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 4 đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,9 tỷ USD tăng 11% so với cùng kỳ.

Theo ông Cầm, một số thị trường xuất khẩu chủ lực, trong đó bao gồm Mỹ, Nhật, châu Âu đều có sự tăng trưởng. Riêng thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm do chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng sợi để sản xuất vải, căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dệt vải của quốc gia này dẫn tới nhu cầu nhập khẩu sợi bị giảm.

Năm 2025 ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD, tuy nhiên, những điều chỉnh thuế quan gần đây của Mỹ đã làm dấy lên nhiều lo ngại.

Năm 2025 ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD, tuy nhiên, những điều chỉnh thuế quan gần đây của Mỹ đã làm dấy lên nhiều lo ngại.

Phân tích thị trường trong thời gian tới, ông Cầm cho rằng, quan hệ thương mại Mỹ – Trung có xu hướng hạ nhiệt với một số thỏa thuận đạt được; giá cước vận tải giảm, tỷ giá VND/USD đang có diễn biến tích cực hơn. Bên cạnh đó, tồn kho thực tế tại Mỹ (thông tin từ Sourcing Journal) đang ở mức rất thấp, nhiều nhãn hàng chỉ đủ dùng cho 6 - 8 tuần tới. Thị trường cũng khan hiếm hàng cho mùa tựu trường và lễ hội cuối năm, thiếu hụt mạnh ở dòng hàng sweaters từ Trung Quốc.

Một số quốc gia cạnh tranh như Pakistan xảy ra bất ổn chính trị với Ấn Độ, trong khi đó Bangladesh gặp tình trạng về khủng hoảng năng lượng, nhiều nhà máy sợi phải đóng cửa do thiếu điện, đồng thời chính quyền của nước này cũng chưa có dấu hiệu xúc tiến đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành dệt may đối mặt thách thức khi mà kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ chưa “ngã ngũ”, do đó, các chính sách về thuế quan của Mỹ vẫn còn nhiều bất định. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ tại Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn yếu, nhu cầu giảm chưa thể phục hồi ngay. Giá điện tăng từ hôm 10/5 cũng ảnh hưởng tới chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sợi.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex nhận định, tồn kho của Mỹ đang ở mức thấp, do đó các đơn hàng trong quý III có thể vẫn tốt. Đơn hàng quý IV có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm.

"Theo dự báo thì nhu cầu tiêu dùng của quốc gia này có thể bị giảm khoảng 5% trong năm 2025. Cùng với đó, các chính sách đàm phán thuế quan hiện nay đang được triển khai theo nhóm mặt hàng, do đó có thể có cơ hội đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam", ông Trường cho biết

Để vượt qua được giai đoạn khó khăn này, lãnh đạo Vinatex cho rằng các doanh nghiệp trong hệ thống cần tăng cường liên kết chuỗi, xây dựng và chia sẻ danh mục nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước đối với các đơn vị ngành may nhằm nghiên cứu, sử dụng các nguồn nguyên phụ liệu trong nước khi xuất khẩu sang Mỹ.

Ngoài ra, khi tình hình đơn hàng còn thuận lợi, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa lợi nhuận, phấn đấu hoàn thành 2/3 kế hoạch lợi nhuận trong năm 2025 ngay trong 6 tháng đầu năm, để dự phòng cho tổ chức sản xuất, cũng như tránh các rủi ro về thuế quan trong nửa cuối năm.

Ngành dệt may và da giày Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc về nguyên liệu thô như vải, vật liệu trang trí. Ngành này cũng được nhận định đang phụ thuộc vào một số ít thị trường xuất khẩu, trong đó Mỹ là thị trường số một, dẫn đến dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thuế quan và biến động địa chính trị.

Theo các chuyên gia của Đại học RMIT, ngành dệt may và da giày Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng buộc doanh nghiệp phải hành động ngay lập tức. Đồng thời, cần thay đổi trong trung hạn đến dài hạn để xây dựng khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa bên ngoài.

Cụ thể, thay đổi theo hướng tự chủ về nguyên liệu thô, phát triển các quy trình sản xuất có đạo đức, đầu tư vào tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), đa dạng hóa các loại sản phẩm và tìm kiếm các thị trường thay thế ở châu Á, châu Đại Dương và EU.

Đặc biệt, Phó giáo sư Rajkishore Nayak, giảng viên ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang cho rằng việc đầu tư vào phát triển kỹ năng và các tiến bộ công nghệ là điều bắt buộc để nâng cao năng lực toàn ngành và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

"Nhiều công nghệ đa dạng như nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), tự động hóa, robot, AI, blockchain và xét nghiệm đồng vị có thể trở nên hữu ích. Tuy nhiên, việc triển khai các công nghệ này đòi hỏi đầu tư ban đầu, cơ sở hạ tầng và nhân sự có tay nghề cao để vận hành và bảo trì”, ông giải thích.

Việc áp dụng các phương pháp sản xuất xanh hơn và đạt được các chứng nhận – chẳng hạn như các chứng nhận theo yêu cầu của Chỉ thị chung về an toàn sản phẩm (GPSD) và Quy định REACH của EU – cũng có thể tạo sự khác biệt cho các sản phẩm của Việt Nam. Bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn, sử dụng hóa chất, chất lượng và dán nhãn do EU và các nước khác đặt ra, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.

Cũng theo chuyên gia, song song với việc lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đàm phán với người đồng cấp Mỹ, các doanh nghiệp dệt may, da giày nên đàm phán với người mua của họ để tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm duy trì đơn hàng, giảm thiểu doanh thu và mất việc làm.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/xuat-khau-det-may-thang-4-tang-15-du-bao-don-hang-quy-iii-van-tot-1106789.html