Xuất khẩu rau quả cần gỡ 'nút thắt' chế biến
Đa dạng hóa sản phẩm chế biến gắn với yêu cầu thị trường tiêu thụ sẽ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, việc này vẫn đang còn nhiều 'nút thắt'.
Tỷ lệ chế biến mới đạt 12-17%
Sản lượng rau quả Việt Nam đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12-17%. Ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 8-10% sản lượng rau quả hàng năm. Trong khi đó, đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch khá cao.
Trong những năm qua, việc ưu tiên tập trung vào mũi nhọn rau quả đang được quan tâm. Sản phẩm rau quả là sản phẩm đặc thù của nền nông nghiệp nhiệt đới, có tính mùa vụ, bảo quản khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, khi vươn mình sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu rau quả vào các thị trường xa, yêu cầu cao như EU, Hoa Kỳ... hơn lúc nào hết mũi nhọn này cần được tiếp tục đẩy mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta có 157 cơ sở chế biến rau quả, trong khi phải giải quyết 31 triệu tấn sản phẩm rau quả/năm, đây là điều không hề đơn giản.
Đánh giá về những ‘nút thắt’ về chế biến, bảo quản rau quả, ông Ngô Quang Tú - đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn xảy ra (nguyên liệu mới đáp ứng 50-60% công suất chế biến). Nguyên nhân là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; chế biến theo mùa vụ (2-3 tháng/năm); chất lượng an toàn thực phẩm chưa đảm bảo (không đều, không ổn định, kích thước, mùi vị, màu sắc, dinh dưỡng...).
Một nguyên nhân khác được ông Ngô Quang Tú đề cập đó chính là nội tại doanh nghiệp chế biến rau quả thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng). Các doanh nghiệp này không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất; bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...) dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%...
Trong khi đó, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp. Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng; nguồn lực triển khai chính sách hạn chế; lãi suất vay chưa phù hợp với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cách nào gỡ ‘nút thắt’ chế biến
Tại thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu nông lâm thủy sản đi 180 nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự kiến năm 2022 đạt 55 tỷ USD. Việt Nam đang có khoảng 7.500 doanh nghiệp đang chế biến nông sản, giá trị nông sản chế biến sau thu hoạch được 35%. Như vậy, còn 65% chưa có chế biến gì và bán tươi, bán thô. Đấy cũng là con số rất lớn ở Việt Nam.
Chế biến là chìa khóa để tăng giá trị nông sản. Tuy nhiên, chi phí đầu tư không nhỏ, mặt khác, cần thời gian nhất định để quy hoạch hạ tầng và vùng nguyên liệu. Trong bối cảnh đó hệ thống bảo quản và chế biến nông sản di động được đánh giá là cách làm hiệu quả.
Vựa vải lớn nhất cả nước là Lục Ngạn (Bắc Giang) đã nhận đơn hàng 7.000 tấn vải thiều sử dụng công nghệ tách nước, khử khuẩn từ thị trường Đài Loan. Với 1kg vải tươi được bán với giá 25.000 đồng, còn 1kg vải sau khi sử dụng công nghệ tách nước, khử khuẩn thì được bán với giá 120.000 đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, bà con nông dân thu lãi gần gấp đôi so với trước.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hạ tầng chế biến tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn thì hệ thống bảo quản và sấy nông sản đa năng cũng là một giải pháp. Và điều quan trọng nhất đó là giảm áp lực tiêu thụ trái tươi.
Ông Nông Ngọc Trung - Chủ tịch Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng cho biết, đơn vị đang có công nghệ sấy đa năng, giúp đa dạng hóa thị trường, thời gian tiêu thụ cho một số sản phẩm như mít, xoài ở dạng sấy dẻo. Điểm đáng lưu ý nhất, đó là công nghệ sấy được chở bằng container, và có thể lưu động qua các khu vực, thậm chí đến được nhiều vùng sâu, vùng xa. Hàng nông sản thu hoạch đến đâu có thể được chế biến tại chỗ đến đó. “Nhờ công nghệ sấy tách nước khử khuẩn tiên tiến, có thể sấy được 5-7 tấn nông sản trong một mẻ. Công nghệ của chúng tôi được nhiều bạn hàng tại Đức, Hà Lan, Australia… đón nhận và đánh giá cao”, ông Trung cho biết.
Tuy nhiên, hiện người tiêu dùng thế giới ngày càng có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm rau quả chế biến. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ, xây dựng nhà máy chế biến sâu để khỏa lấp khoảng trống hàng tỷ USD này.
Trước thực trạng trên, PGS.TS. Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - cho rằng, hiện năng lực chế biến rau quả mới đạt trên 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng để nâng lên gấp đôi trong những năm tới cần đầu tư vào công nghệ phù hợp. Theo đó, cần xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu, lựa chọn nhà tư vấn công nghệ thiết bị phù hợp, đầu tư xây dựng nhà xưởng...
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ, ông Ngô Quang Tú kiến nghị, cần phải tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau quả...
Trong chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, Việt Nam phấn đấu là trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản ra thế giới. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang sửa đổi và sớm ban hành các chủ chương, chính sách, cách tiếp cận mới, trực tiếp hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Nguyễn Hạnh
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-rau-qua-can-go-nut-that-che-bien-182359.html