Xúc tiến khởi động dự án Đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) vừa báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo dự kiến thực hiện từ năm 2024-2027, với tổng kinh phí khoảng hơn 14.500 tỉ đồng.
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải cho biết, ngày 24/7/2023, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho Tập đoàn Sơn Hải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư. Theo đó, yêu cầu Tập đoàn Sơn Hải trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có văn bản chấp thuận phải có hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được lập theo quy định; quá trình làm hồ sơ, nhà đầu tư tự bố trí kinh phí để thực hiện.
Để Tập đoàn Sơn Hải hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đúng tiến độ, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương liên quan căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao để phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực với nhà đầu tư. Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án Đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo được quy hoạch với chiều dài dự kiến 70 km, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe.
Với sự nỗ lực vượt bậc, chỉ sau gần 3 tháng, vào giữa tháng 10/2023, Tập đoàn Sơn Hải đã có báo cáo kết quả nghiên cứu. Theo đó, dự án trên có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn tại vị trí cầu vượt Đường tỉnh 579 thuộc huyện Triệu Phong (khoảng Km12+050 lý trình đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn). Điểm cuối dự án tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa với chiều dài nghiên cứu toàn tuyến rút xuống còn khoảng 56 km. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ kết nối thuận lợi giữa Quảng Trị, Lào, Thái Lan, Myanmar để hàng hóa các nước trên về các cảng biển ở Quảng Trị rồi xuất ra các nước theo đường biển.
Lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải cho biết, nhằm phá thế độc đạo của Quốc lộ 9, cũng như đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuyên biên giới thì việc nghiên cứu đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo trong giai đoạn trước năm 2030 là rất cấp thiết và phù hợp với quy hoạch, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương và khu vực nên tập đoàn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, nghiêm túc, nhanh nhất trong điều kiện cho phép.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết, sau khi nghe Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn báo cáo kết quả nghiên cứu dự án nêu trên, Thường trực UBND tỉnh đã đồng ý về mặt chủ trương cho tiếp tục nghiên cứu và đề nghị đơn vị tư vấn cùng nhà đầu tư tiếp thu các ý kiến của các ngành, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung đã thảo luận tại buổi báo cáo nhằm hoàn chỉnh gửi UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo là dự án quan trọng đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ xác định đầu tư trước năm 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất với đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh giao nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thi công các công trình giao thông lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định của pháp luật. Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao nghiên cứu của Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn TEDI trong thời gian ngắn đã đưa ra các phương án đề xuất đầu tư xây dựng, hướng tuyến, đánh giá ưu, nhược điểm, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và các tác động liên quan của từng phương án.
Điểm đầu tuyến tại nút giao Đường tỉnh 579 với đường bộ cao tốc Cam Lộ-La Sơn phù hợp với thiết kế nút giao đường bộ cao tốc Cam Lộ-La Sơn đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, định hướng phát triển phía Nam của tỉnh và góp phần phát triển huyện Triệu Phong. Tuy nhiên, hiện nay phương án đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải có tỉ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án đối tác công tư là 70% (vượt quá 50% theo quy định), cần phải được Quốc hội cho cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, để có cơ sở báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, sớm hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án, Thường trực UBND tỉnh giao Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn TEDI làm rõ kịch bản vận tải, lưu lượng vận tải để tính toán phương án tài chính; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, tính toán, dự báo nguồn hàng hóa từ Thái Lan, Lào về cảng Mỹ Thủy sau khi cảng Mỹ Thủy được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác. Hiện nay dự án cảng Mỹ Thủy đang được UBND tỉnh đôn đốc nhà đầu tư triển khai, dự kiến đưa 2 bến vào hoạt động trong năm 2025.
Nhà đầu tư cần lập đề xuất dự án chỉ đạo tư vấn nghiên cứu bổ sung phương án đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành như: tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án; kịch bản tăng trưởng hàng hóa ở mức cao; phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang, đầu tư trước một hầm, cầu cạn và một số hạng mục công trình khác (nếu có)... để đảm bảo phương án tài chính theo quy định của pháp luật, tính khả thi dự án.
Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng tỉnh tiếp tục rà soát, nghiên cứu, phản biện, đưa ra phương án tối ưu nhất để nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện dự án.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và các ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ thêm phương án khai thác quỹ đất dọc 2 bên dự án. Hiện tỉnh đang quyết tâm cùng nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, sớm triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành đường bộ cao tốc Cam Lộ- Lao Bảo trong thời gian sớm nhất.