Xúc tiến thương mại, tận dụng xung lực từ các FTA

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra cơ hội lớn cho xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tạo xung lực cho xúc tiến xuất khẩu

Việc ký kết và tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) thế hệ mới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc xúc tiến mở rộng xuất, nhập khẩu, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.

Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2025 ước đạt 63,15 tỷ USD.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt với kết quả xuất khẩu sang ASEAN và các nền kinh tế như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ đều tăng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA đạt tăng trưởng cao và mở ra nhiều tiềm năng với hàng Việt.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc chương trình cấp quốc gia đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại địa phương, tham gia. Trong đó, tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế đạt gần 100 triệu USD (chưa bao gồm các hợp đồng được ký kết sau hội chợ, triển lãm, giao thương), doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA đạt tăng trưởng cao và mở ra nhiều tiềm năng với hàng Việt. Ảnh: C.T

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu sang các thị trường đã ký kết FTA đạt tăng trưởng cao và mở ra nhiều tiềm năng với hàng Việt. Ảnh: C.T

Nhận định về bức tranh xuất khẩu năm 2025 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo còn khó khăn hơn, tuy nhiên, theo đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), dự báo năm 2025, doanh nghiệp Việt sẽ vẫn có nhiều thuận lợi từ tiềm năng của các thị trường FTA.

Đơn cử như công tác đàm phán, ký kết các FTA mới đạt được những kết quả tích cực với việc khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông và châu Phi bằng việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA). Việc ký kết FTA này thành công sẽ mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho hàng Việt vào thị trường Halal - một thị trường rất rộng lớn. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt hơn 7.000 tỷ USD năm 2024, dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028.

Bộ Công Thương cũng đã, đang và sẽ đàm phán hoặc sửa đổi thêm hàng loạt các FTA khác như đàm phán nâng cấp và đàm phán mới các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực thi FTA giữa Việt Nam và Isarel (VIFTA); Tích cực đàm phán, ký kết triển khai các khuôn khổ pháp lý song phương về kinh tế thương mại với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Úc, New Zealand, Nam Phi, Ả-rập Xê-út… để thiết lập, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng và có nhu cầu xuất khẩu.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác, phát triển thị trường

Đánh giá về tiềm năng từ các FTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới, 17 FTA đang tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn hàng hóa Việt Nam và trở thành “đòn bẩy” cho tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, để thích ứng với thị trường, đòi hỏi sự nỗ lực chủ động lớn từ các chủ thể doanh nghiệp.

Thực tế, tận dụng cơ hội, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt nhịp xu thế. Minh chứng, ở lĩnh vực dệt may, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: "Doanh nghiệp luôn phải bám sát khách hàng tại những thị trường mà doanh nghiệp hướng đến, để khi có thay đổi về chính sách, các khách hàng vẫn ưu tiên và lựa chọn doanh nghiệp, đồng thời đa dạng hóa các thị trường, mở thêm các thị trường ngách và minh bạch trong chuỗi cung ứng".

Hay ở lĩnh vực thủy sản, với ngành hàng cá tra, dự báo xu hướng những tháng tới, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, với mỗi thị trường có một thị hiếu và đặc tính khác nhau, do đó, cùng với việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng, địa phương và doanh nghiệp phải tính toán để đảm bảo đủ sản lượng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Trong bối cảnh xuất khẩu tiếp tục trở thành động lực quan trọng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, để tận dụng được lợi thế từ các FTA, trong năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, triển khai công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong khuôn khổ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

"Bộ cũng sẽ xây dựng, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước" - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin.

Cùng với đó, bộ sẽ triển khai công tác phát triển thương hiệu theo hướng tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tại thị trường nước ngoài; xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp để quảng bá về Thương hiệu quốc gia, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, các thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý trên các nền tảng mạng xã hội để tạo hiệu ứng lan tỏa; tăng cường công tác hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Việt Nam (gạo, cà phê và thủy sản) tại thị trường nước ngoài.

Thực hiện kế hoạch Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại đã được phê duyệt, năm 2025, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức, phối hợp tổ chức và tham dự với các hiệp hội ngành hàng, Trung tâm Xúc tiến thương mại các địa phương, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hàng loạt hội chợ, triển lãm quốc tế tại thị trường nước ngoài như Đức, Hoa Kỳ, UAE, Nhật Bản, Trung Quốc,... Ngay trong quý I/2024, dự kiến diễn ra Hội chợ Quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống Gulfood 2025 ở Dubai (UAE); Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2025 ở Hoa Kỳ; Hội chợ Rau quả Fruit Logistica Berlin 2025...

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuc-tien-thuong-mai-tan-dung-xung-luc-tu-cac-fta-374871.html