Ý nghĩa mô hình Chai nước nghĩa tình

Hơn một năm qua, mô hình Chai nước nghĩa tình do chị Nguyễn Thị Như Ý (làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất Toàn Cầu Lixil Việt Nam, huyện Long Thành) sáng kiến đã tạo được sự lan tỏa rộng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của công nhân toàn công ty, bởi những ý nghĩa mang lại.

Chị Nguyễn Thị Như Ý bên mô hình Chai nước nghĩa tình. Ảnh: T.My

Chị Nguyễn Thị Như Ý bên mô hình Chai nước nghĩa tình. Ảnh: T.My

Theo chị Như Ý, khi chứng kiến những chai nước vứt bừa bãi gây mất thẩm mỹ tại khuôn viên công ty, chị đã suy nghĩ làm cách nào để thu gom chai nhựa về một chỗ theo quy định, vừa có thể tái chế được mà không gây lãng phí. Sau nhiều ngày trăn trở, chị mạnh dạn đề xuất với Công đoàn cơ sở thực hiện mô hình Chai nước nghĩa tình để chăm lo cho đoàn viên. Cụ thể là lắp đặt các thùng đựng chai nước tại các xưởng sản xuất và nơi công nhân nghỉ ngơi, số chai nhựa sau khi thu gom được sẽ bán để lấy kinh phí giúp đỡ các trường hợp khó khăn.

Từ ý tưởng của chị Như Ý, mô hình nhanh chóng được Công đoàn, công ty đón nhận và triển khai. Sau thời gian thực hiện, giải pháp này không những ngăn ngừa rác thải nhựa, mà còn tạo sự đoàn kết trong tập thể lao động với mục tiêu “gom chai nhựa, giúp đỡ đồng nghiệp”.

Chị Như Ý cho hay, chai nhựa sau khi thu gom và tập kết khoảng 2-3 tháng, Công đoàn sẽ bán phế liệu, thu được từ 2-3 triệu đồng và số tiền này dành cho việc hỗ trợ những lao động có hoàn cảnh khó khăn trong công ty.

“Hàng tháng, mỗi trường hợp công nhân khó khăn được hỗ trợ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng từ mô hình Chai nước nghĩa tình. Số tiền không lớn nhưng đã thể hiện thiết thực trong công tác chăm lo của Công đoàn đối với người lao động. Từ hiệu quả của mô hình này, nhiều đơn vị đã học tập triển khai và được người lao động hưởng ứng, tham gia” - chị Như Ý cho biết thêm.

Chủ tịch Công đoàn công ty Lê Minh Tuấn cho biết, những năm qua, Công đoàn đã triển khai nhiều mô hình chăm lo cho người lao động. Tuy nhiên, mô hình Chai nước nghĩa tình do đoàn viên Như Ý sáng kiến là cách làm mới, mang lại nhiều giá trị vì ngoài nâng cao ý thức cho công nhân về bảo vệ môi trường, còn tạo không gian làm việc sạch đẹp và giúp đỡ nhiều lao động khó khăn. Tới đây, Công đoàn cơ sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn của mô hình này nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong công nhân lao động ở các nhà máy.

Thảo My

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202411/y-nghia-mo-hinh-chai-nuoc-nghia-tinh-0c27537/