Yên Bái chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ho gà

Tại tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay có 31 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc ho gà tăng 7 lần so với năm 2023. Ngành y tế tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động để chủ động phòng, chống hai bệnh trên trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đang gia tăng cả về số mắc và diễn tiến bệnh nặng.

Phun hóa chất là giải pháp tốt nhất phòng, chống ổ dịch sốt xuất huyết.

Phun hóa chất là giải pháp tốt nhất phòng, chống ổ dịch sốt xuất huyết.

Đầu tháng 8, bệnh nhi Hoàng Mạnh Dũng, 7 tháng tuổi vào Trạm Y tế thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình với triệu chứng sốt nhẹ, ho. Tại đây, qua thăm khám, các thầy thuốc nghi ngờ cháu Dũng bị ho gà, chuyển bệnh nhi về Trung tâm Y tế huyện Yên Bình. Sau hơn 1 tuần được các y bác sĩ chăm sóc tận tình, cháu Dũng đã được ra viện.

Y sĩ Phạm Thị Lựu, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Yên Bình cho biết: "Đây là ca bệnh ho gà đầu tiên tại Trạm trong nhiều năm nay, cháu chưa tiêm chủng ho gà. Trạm cũng luôn khuyến cáo với người dân về cách phòng bệnh cho trẻ, nhất là tại những nơi tập trung đông trẻ, tại trường mầm non”.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh, bệnh ho gà có xu hướng gia tăng, ghi nhận 8 ca ho gà có kết quả xét nghiệm dương tính (+) tại 4/9 huyện, thị xã, thành phố (Yên Bình, Văn Yên, thành phố Yên Bái, Lục Yên), cả 7 ca chưa đến tuổi tiêm chủng; 1 ca sinh non cân nặng lúc sinh được 1.200gam khi đến tuổi tiêm chủng trẻ thường xuyên ốm, nằm viện nên phải hoãn tiêm chủng. Số mắc ho gà tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Khởi đầu của bệnh ho gà có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho, cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nặng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và có thể có cả người lớn khi chưa có miễn dịch phòng bệnh. Cơn ho gà rất đặc trưng, biểu hiện là trẻ ho rũ rượi thành cơn liên tục, kéo dài, không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít vào như tiếng gà gáy.

Sau cơn ho, có lúc trẻ ngừng thở, tím tái, chảy nhiều đờm dãi trong suốt, sau đó nôn làm cho trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm mồ hôi và thở gấp, khi ho lưỡi bị đẩy ra ngoài lâu dần dẫn tới loét hãm lưỡi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ trở nặng, trẻ có thể bị suy hô hấp và tử vong. Cần lưu ý là ở trẻ sơ sinh, ho rất ít xuất hiện hoặc thậm chí không ho nhưng có thể có hiện tượng ngừng thở tạm thời trong một thời gian ngắn, nên rất nguy hiểm, trẻ cần phải nhập viện sớm để được điều trị kịp thời.

Để phòng, chống bệnh ho gà hiệu quả, bác sĩ Chuyên khoa I Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh khuyến cáo: Bệnh ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi và khả năng lây truyền rất cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian như hộ gia đình, trường học… Vì vậy, bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin ho gà cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp khác như: tuyên truyền giáo dục sức khỏe, cung cấp các thông tin cần thiết về bệnh ho gà cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để cộng tác với cán bộ y tế phát hiện sớm bệnh, biết cách ly, phòng bệnh.

Nhà ở, nhà trẻ, lớp học, vườn trẻ... phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình, nhất là các ổ dịch ho gà cũ. Hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, nhất là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin ho gà, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, được điều trị càng sớm, trẻ càng nhanh khỏi và ít có nguy cơ bị biến chứng. Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) đầy đủ, đúng lịch tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) hoặc tại các phòng tiêm chủng dịch vụ (trả phí). Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ 3 sau mũi thứ hai 1 tháng, mũi thứ 4 tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Cùng với bệnh ho gà, theo ghi nhận của CDC tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 31 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó 12 ca xâm nhập và 15 ca không xác định yếu tố dịch tễ, tập trung đông ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, huyện Văn Chấn.

Theo bác sĩ Trần Tuyết - Trưởng khoa Ký sinh trùng, CDC tỉnh: SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus Dengue sau đó đốt sang người lành và truyền virus gây bệnh. Bệnh rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu đúng, điều trị kịp thời. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 típ huyết thanh: DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3 và DEN - 4. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng phát triển nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.

Khi nhiễm virus, người mắc bệnh có thời gian ủ bệnh từ 3 - 14 ngày, trung bình từ 5 - 7 ngày. Người bệnh là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt, đây là giai đoạn trong máu có nhiều virus nhất. Muỗi bị nhiễm virus có thể truyền bệnh suốt đời và truyền cho các thế hệ sau. Tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh, bệnh có thể gây thành dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc. Người mắc bệnh thể nặng sẽ dẫn đến sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê... dẫn đến tử vong, đặc biệt là trẻ em.

Các dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh SXH: bệnh SXH Dengue có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn. Giai đoạn sốt: bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Người bệnh có thể có các biểu hiện sau: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan; nôn mửa; vật vã, bứt rứt, lừ đừ hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ; tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), đi tiểu ít.

Người bệnh bị xuất huyết dưới da: nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím hoặc có thể có xuất huyết niêm mạc (chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu ra máu).

Người bệnh bị xuất huyết nặng: chảy máu mũi nhiều, xuất huyết âm đạo nặng khó cầm bằng các biện pháp thông thường (băng, nhét gạc, chẹn gạc...); xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (chảy máu phổi, não, gan, lách, thận), thường kèm theo tình trạng sốc mất máu (da tái, chân tay lạnh, mạch nhỏ khó bắt hoặc không bắt được, huyết áp tụt), xét nghiệm số lượng tiểu cầu giảm có thể dẫn đến suy đa phủ tạng (suy gan, thận, tim, phổi, não...và đông máu nội mạch nặng).

Ở giai đoạn nguy hiểm, người bệnh rất dễ tử vong nếu không được điều trị đúng, kịp thời.

Giai đoạn hồi phục: Thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh; người bệnh hồi phục hết sốt, thèm ăn, đi tiểu nhiều, toàn trạng tốt lên.

Cán bộ CDC tỉnh tuyên truyền các hộ dân tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên vệ sinh, diệt bọ gậy, loăng quăng.

Cán bộ CDC tỉnh tuyên truyền các hộ dân tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên vệ sinh, diệt bọ gậy, loăng quăng.

SXH tuy là bệnh nguy hiểm nhưng chúng ta có thể chủ động phòng tránh. Bác sĩ Trần Tuyết khuyến cáo thêm: "Cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng: vệ sinh nhà ở, xếp sắp đồ dùng gọn gàng, hạn chế, hoặc loại bỏ các vật dụng, đồ dùng không cần thiết để phòng ngủ, nhà ở thoáng sạch, mở cửa chiếu sáng tự nhiên thường xuyên để hạn chế nơi trú ngụ của muỗi vằn. Đậy kín các chum, vại, bể… chứa nước không để cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá vào các vật dụng chứa nước để cá ăn bọ gậy. Cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước nhỏ (chum, vại, bể…) 1 tuần 1 lần. Bỏ muối, dầu hỏa vào chén nước kê chân chạn, giường, tủ, cho cát ẩm vào lọ hoa. Thu gom, loại bỏ đồ phế thải quanh nhà như chai, lọ vỡ, vỏ dừa, lốp xe… Lật úp các vật thải có chứa nước không cho muỗi vằn sinh sản.

Phòng tránh muỗi đốt: mặc áo quần dài tay. Khi ngủ cần nằm trong màn kể cả ban ngày. Dùng rèm, mành che cửa tẩm hóa chất diệt muỗi. Diệt muỗi bằng hóa chất: phun thuốc, tẩm màn, đốt hương muỗi, dùng bình xịt diệt muỗi, bôi kem chống muỗi đốt…

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, nhiều địa phương đang ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác; số ca mắc, diễn biến nặng gia tăng. Tại tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay có 31 ca mắc SXH, số mắc ho gà tăng 7 lần so với năm 2023.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, SXH hiện nay tại một số tỉnh, thành, ngành Y tế Yên Bái đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng về SXH, ho gà… để có các giải pháp phòng dịch kịp thời.

Hiện, cả nước đang chuẩn bị bước vào năm học mới, học sinh các cấp quay trở lại trường học khiến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/327423/yen-bai-chu-dong-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-ho-ga.aspx