25 phút cứu thanh niên 19 tuổi đa chấn thương do tai nạn giao thông

Em M.T đi xe máy bị tai nạn giao thông, bất tỉnh, được người đi đường đưa đến BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong ình trạng lơ mơ, huyết áp thấp (50/20 mmHg), mạch nhanh, nhiều vết thương vùng hàm mặt, ngực, chi dưới.

Tại đây, các các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị dập phổi, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch, tràn khí màng phổi hai bên, chấn thương gan độ IV, chấn thương lách độ IV có ổ thoát mạch.

Hình ảnh lách vỡ trước và sau can thiệp. Ảnh: BVCC

Hình ảnh lách vỡ trước và sau can thiệp. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được hội chẩn cấp bệnh viện với nhiều chuyên khoa thống nhất chẩn đoán: Đa chấn thương, chấn thương gan độ IV, chấn thương lách độ IV, dập phổi hai bên, tràn dịch màng tim, rối loạn đông máu nặng tiên lượng bệnh nhân rất nguy kịch.

Phương pháp điều trị tối ưu đối với bệnh nhân là thực hiện chụp số hóa xóa nền và nút động mạch cầm máu các tạng (DSA). BSCKII. Trần Công Khánh - Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện nhiệm vụ này.

Chụp DSA cho thấy có chấn thương gan, lách, có ổ thoát mạch xuất phát từ nhánh động mạch gan phải và nhánh động mạch lách, vào từng phân nhánh có tổn thương.

Kíp thực hiện thủ thuật chụp xác định vị trí và tiến hành bơm bằng hỗn hợp keo, sau chụp kiểm tra không còn dấu hiệu thoát mạch. Thủ thuật được thành công sau 25 phút, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được chuyển đơn vị hồi sức ngoại. Khi sức khỏe bệnh nhân cho phép, bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu thực hiện phẫu thuật dẫn lưu màng phổi.

Hiện nay bệnh nhân tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định, phổi thông khí rõ hai bên, bụng mềm, da niêm hồng được chuyển khoa Ngoại Tổng hợp theo dõi.

BS.CKII. Nguyễn Khắc Nam - Phó khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Gan, lách là tạng đặc có thể tích lớn trong cơ thể, đặc biệt gan chứa rất nhiều mạch máu. Nếu gan bị vỡ rất dễ mất máu nhanh, vì vậy cần phải điều trị ngay tránh để lâu nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Vỡ gan, vỡ lách trong chấn thương bụng kín rất phức tạp, đòi hỏi phải chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời, đặc biệt là trong bệnh nhân đa chấn thương.

Với phương pháp nút mạch cầm máu (không cần gây mê), giúp bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, bệnh nhân không phải trải qua những cuộc đại phẫu nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ,...

Phạm Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/25-phut-cuu-thanh-nien-19-tuoi-da-chan-thuong-do-tai-nan-giao-thong-169240626150038145.htm