An toàn lễ hội ngày xuân

Lễ hội xuân Ất Tỵ 2025 tràn khắp Thái Nguyên một không khí tươi vui, phấn chấn. Từ nông thôn đến phố thị râm ran tiếng nói, cười của nam, phụ, lão, ấu về chuyện nhà, việc nước và đi lễ hội ngày xuân. Ai nấy háo hức với đức tin rủi may gói vào năm cũ, để mở ra những ngày mới ngập tràn năng lượng tích cực.

Nhân dân các xóm của xã Động Đạt (Phú Lương) dâng lễ lên Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh tại Lễ hội đền Đuổm.

Nhân dân các xóm của xã Động Đạt (Phú Lương) dâng lễ lên Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh tại Lễ hội đền Đuổm.

Xuân ùa về khắp nhân gian. Hơi ấm trời đất làm vạn vật tươi tốt, lòng người phấn chấn đón xuân mới cùng háo hức với mùa lễ hội. Giữa “hơi thở” mùa xuân, các lễ hội trên vùng đất “nửa đồng, nửa núi” Thái Nguyên liên tục khai mở. Sớm nhất là lễ hội Đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình); Lễ hội Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ); Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương)… Ghi nhận của chúng tôi: Các lễ hội đã được khai mạc vào dịp đầu xuân nay diễn ra đảm bảo yêu cầu theo “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Điểm nổi bật là các lễ hội được tổ chức theo tinh thần tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả, không xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ông Lê Ngọc Linh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Ban chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh, cho biết: Lễ hội đầu xuân là cơ hội bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hiện trên toàn tỉnh có gần 200 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân. Mỗi lễ hội mang nét văn hóa độc đáo riêng nên đã tạo được sức hấp dẫn với đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Các lễ hội đã trở thành nơi gặp gỡ của hàng nghìn người. Dự ước trong tháng Giêng các khu, điểm đến, đặc biệt là các lễ hội trên địa bàn tỉnh thu hút khoảng trên 500.000 lượt người tham quan vãn cảnh, cầu phúc, lộc, bình an.

Bà con chuẩn bị đi hội Lồng Tồng (Định Hóa).

Bà con chuẩn bị đi hội Lồng Tồng (Định Hóa).

Để mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tham quan, vui chơi giải trí của nhân dân, các cấp, ngành liên quan của tỉnh và các địa phương có lễ hội đã tăng cường tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, chuyển tải đến nhân dân các quy định về lễ hội thông qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương và một số ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Messenger, Tiktok, Instagram. Qua đó mọi người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị lễ hội và tự giác chấp hành quy định của lễ hội.

Hầu hết các lễ hội đã lập được bảng tóm tắt giới thiệu lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của di tích và lễ hội. Các hoạt động liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân cũng được ban tổ chức bố trí phù hợp, bảo đảm an toàn, tránh xảy ra xô đẩy và hỏa hoạn như: Nơi sắp lễ, giá để đồ lễ, nơi dâng lễ, thắp hương, hóa sớ. Việc quản lý, sử dụng tiền công đức được các cơ sở thờ tự thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định và đúng mục đích; đồng thời nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ tại các di tích và lễ hội.

Đến chùa Phù Liễn (TP. Thái Nguyên), nhiều người dân phấn chấn: Nhà chùa quy định: Nhân dân, du khách thập phương không thắp, đốt hương vì nhà chùa đã thắp hương vòng. Đây là một nét đẹp văn hóa đi lễ chùa, đình, đền đầu năm và cả năm. Mong điều này được phổ biến, thực hiện rộng rãi tại các nơi thờ tự. Bởi cây hương không bằng tâm hương. Cũng tại lễ hội đình, đền, chùa năm nay, khách tham quan khi hành lễ đã hạn chế việc đặt tiền lẻ, tiền công đức lên các ban thờ hoặc không gài tiền lẻ lên tượng Phật cũng như các hiện vật khác.

Dự ước trong tháng Giêng các khu, điểm đến, đặc biệt là các lễ hội trên địa bàn tỉnh thu hút khoảng trên 500.000 lượt người tham quan vãn cảnh, cầu phúc, lộc, bình an.

Dự ước trong tháng Giêng các khu, điểm đến, đặc biệt là các lễ hội trên địa bàn tỉnh thu hút khoảng trên 500.000 lượt người tham quan vãn cảnh, cầu phúc, lộc, bình an.

Công tác an ninh trật tự tại các lễ hội cũng đã được tăng cường. Cùng lực lượng công an, dân quân tự vệ còn có các tình nguyện viên tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người đi lễ hội trong trường hợp có nhu cầu hỗ trợ. Ghi nhận đến thời điểm này chưa có người dân phản ánh bị móc túi, bị trộm đồ hoặc bị “chặt chém” khi mua hàng. Cơ quan chức năng Nhà nước cũng chưa phát hiện người mua, bán các loại ấn phẩm văn hóa không được phép lưu hành.

Với mục đích an toàn cho nhân dân, du khách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp cùng một số cơ quan chức năng Nhà nước thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương. Nhờ đó những biểu hiện sai phạm, tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và vi phạm Luật Di sản văn hóa, xâm hại di tích được nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời.

Mùa lễ hội tiếp tục diễn ra trong những ngày xuân. Đây cũng là thời gian nhắc nhở mỗi người có thái độ sống tích cực hơn. Đơn giản là việc tham gia giữ gìn vệ sinh công cộng, có lối sống văn hóa, ứng xử văn minh trong gia đình và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần giảm thiểu những hiện tượng tiêu cực, phản cảm trong lễ hội cũng như cuộc sống hằng ngày.

Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202502/an-toan-le-hoi-ngay-xuan-8810be4/