Áp dụng biện pháp phù hợp trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Chamaleá Thị Thủy nhấn mạnh việc quy định 'Người chưa thành niên đồng ý xử lý chuyển hướng' mới được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cần phải nghiên cứu lại.

Theo đại biểu, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng hay không phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, phạm tội của người chưa thành niên để áp dụng các biện pháp cho phù hợp trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích phù hợp của người chưa thành niên.

Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm "người làm công tác xã hội"

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu bày tỏ nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật này để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù lứa tuổi, tâm lý của người chưa thành niên.

ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Chamaleá Thị Thủy phát biểu thảo luận tại hội trường

ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Chamaleá Thị Thủy phát biểu thảo luận tại hội trường

Đồng thời, nhất trí cao với quan điểm cần giáo dục phòng ngừa đối tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự hơn là áp dụng biện pháp trừng phạt đối với đối tượng này; nếu đối tượng này vi phạm thì cần có các biện pháp xử lý phù hợp, tạo điều kiện để người chưa thành niên có cơ hội hòa nhập lại với cộng đồng.

Để góp phần hoàn thiện Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu đề xuất một số kiến nghị thiết thực. Trong đó, theo dự thảo luật thì: "Người làm công tác xã hội" được quy định tại khoản 11, Điều 4; Điều 31, Điều 54, Điều 170. Các quy định này quy định về điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của Người làm công tác xã hội khi tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên (xây dựng báo cáo điều tra xã hội về người chưa thành niên và kế hoạch xử lý chuyển hướng; tham gia các hoạt động tố tụng, hỗ trợ và can thiệp cho người chưa thành niên…). Việc quy định về "người làm công tác xã hội" theo dự thảo luật là cần thiết.

Tuy nhiên, các quy định này cần được nghiên cứu, bổ sung thêm cho đầy đủ hơn. Cụ thể, dự thảo luật chưa quy định rõ tư cách tố tụng của người làm công tác xã hội khi tham gia tố tụng (họ tham gia tố tụng với vai trò gì); đội ngũ này chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào nếu họ không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ; cơ quan nào/ai là người có thẩm quyền xác định họ đủ điều kiện tham gia hoạt động tố tụng…. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến người làm công tác xã hội để bảo đảm đầy đủ, phù hợp, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ này trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Cần căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, phạm tội

Cùng với đó, Điều 39 dự thảo luật quy định phải có đủ 3 điều kiện thì mới áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: có chứng cứ người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội; người chưa thành niên thừa nhận mình có tội; người chưa thành niên đồng ý xử lý chuyển hướng. Đại biểu đề nghị xem lại quy định tại điều này, bởi vì việc quy định "Người chưa thành niên thừa nhận mình có tội" mới được áp dụng biện pháp chuyển hướng là chưa phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ Luật Tố tụng hình sự (Điều 13 Bộ Luật TTHS).

Việc quy định "Người chưa thành niên đồng ý xử lý chuyển hướng" mới được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cũng cần phải nghiên cứu lại, bởi việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng hay không phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, phạm tội của người chưa thành niên để áp dụng các biện pháp cho phù hợp (trong đó có biện pháp xử lý chuyển hướng) trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích phù hợp của người chưa thành niên theo quy định pháp luật, chứ không phải phụ thuộc vào việc họ có đồng ý hay không đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Theo ĐBQH Chamaleá Thị Thủy, khoản 1, Điều 109 dự thảo luật chưa quy định rõ mức độ phạm tội như thế nào (phạm tội ít nghiêm trọng, hay phạm tội nghiêm trọng… phạm tội do cố ý, vô ý…) được áp dụng hình phạt tiền, mà chỉ quy định "Phạt tiền được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu người đó có thu nhập, có tài sản riêng hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện". Quy định này chưa đầy đủ, chưa thể hiện rõ loại tội nào thì áp dụng hình phạt tiền, vì vậy đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung cho hoàn thiện hơn.

Điều 8 dự thảo luật và tại các quy định trong quá trình thực hiện các thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố (Mục 3, Chương VIII) đều quy định việc sử dụng "ngôn từ đơn giản, thân thiện, dễ hiểu" để thông tin và thực hiện các trình tự tố tụng về những nội dung liên quan đến giải quyết vụ việc của người chưa thành niên là quy định rất cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ hơn, đề nghị cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung thêm quy định về việc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số, để bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu đối với đối tượng người chưa thành niên là người dân tộc thiểu số về những nội dung liên quan đến giải quyết vụ việc của họ.

Thanh Mai

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/ap-dung-bien-phap-phu-hop-tren-tinh-than-bao-ve-quyen-loi-ich-i376429/