Apple chi mạnh tay xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm tại Mỹ

Apple vừa ký kết thỏa thuận trị giá 500 triệu USD với MP Materials, nhằm cung cấp nam châm đất hiếm cho các thiết bị công nghệ cao của hãng, nhằm giảm phụ thuộc Trung Quốc và thúc đẩy sản xuất tại Mỹ.

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mới đây, Apple vừa ký kết thỏa thuận trị giá 500 triệu USD với MP Materials - công ty vận hành mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ, nhằm cung cấp nam châm đất hiếm cho các thiết bị công nghệ cao như iPhone, đồng hồ và tai nghe.

Đây là một phần trong nỗ lực của Apple nhằm đảm bảo nguồn cung linh kiện quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm.

Theo thỏa thuận, Apple sẽ ứng trước 200 triệu USD để mua nam châm bắt đầu từ năm 2027. Các nam châm này sẽ được sản xuất tại nhà máy của MP Materials ở Fort Worth, Texas, sử dụng vật liệu tái chế từ tổ hợp Mountain Pass ở California.

Động thái này phù hợp với cam kết của Apple về giảm phụ thuộc vào khai khoáng nguyên sinh và thúc đẩy sản xuất bền vững. Các nguyên tố đất hiếm này không quá hiếm về mặt phân bố, nhưng rất khó khai thác ở nồng độ đủ cao để vận hành mỏ hiệu quả. Đây là thành phần then chốt trong hàng loạt thiết bị như điện thoại thông minh, xe điện, tua-bin gió, tàu ngầm và máy bay chiến đấu.

Việc mở rộng sản xuất tại Mỹ giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc - quốc gia hiện chiếm ưu thế tuyệt đối trong chuỗi giá trị đất hiếm và từng tạm ngừng cấp phép xuất khẩu cho các mục đích quân sự.

Dù Bắc Kinh và Washington mới đạt được một số thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu, các nhà phân tích cho rằng căng thẳng vẫn còn sâu sắc và không thể loại trừ nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ông Bob O'Donnell, Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường TECHnalysis Research, nhận định động thái trên là hoàn toàn hợp lý, vì Apple cần một lượng lớn nam châm đất hiếm cho các thiết bị của mình. Ông nói thêm rằng việc tập trung vào một nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ cũng giúp Apple có được hình ảnh tích cực hơn tại Washington.

Thỏa thuận với Apple là một phần trong cam kết đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 4 năm của hãng công nghệ này, dưới áp lực ngày càng tăng từ chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc nội địa hóa chuỗi sản xuất.

Dù việc sản xuất iPhone hoàn toàn tại Mỹ vẫn được đánh giá là không khả thi do chi phí và hạ tầng, các bước đi như thỏa thuận với MP Materials cho thấy Apple đang tìm cách thích ứng với môi trường địa chính trị mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/apple-chi-manh-tay-xay-dung-chuoi-cung-ung-dat-hiem-tai-my-post1049904.vnp