Apple chi nửa tỷ USD xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm tại Mỹ

Apple đã ký một thỏa thuận trị giá 500 triệu USD với công ty MP Materials, một doanh nghiệp được Lầu Năm Góc hậu thuẫn, về việc cung cấp nam châm đất hiếm.

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Động thái này đưa Apple trở thành một trong những công ty công nghệ đầu tiên ký kết thỏa thuận cung ứng tại Mỹ sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này vào đầu năm nay.

Các thông tin chi tiết về thời hạn của thỏa thuận hay khối lượng nam châm cụ thể sẽ được cung cấp đều không được công bố, mặc dù thỏa thuận có đề cập đến việc nam châm sẽ được sản xuất từ vật liệu tái chế, phù hợp với mục tiêu lâu dài của Apple là chấm dứt sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai khoáng.

Theo một phần của thỏa thuận, Apple sẽ trả trước cho MP Materials 200 triệu USD cho một lượng nam châm dự kiến bắt đầu được cung cấp vào năm 2027. Các công ty này cho biết nam châm sẽ được sản xuất tại cơ sở của MP ở Fort Worth, Texas, sử dụng nam châm được tái chế tại khu phức hợp khai thác của MP ở Mountain Pass, California.

MP cho biết, thỏa thuận sẽ cung cấp nam châm cho hàng trăm triệu thiết bị, chiếm một phần đáng kể trong bất kỳ dòng sản phẩm nào của Apple, bao gồm cả các thiết bị đeo như đồng hồ và tai nghe.

MP hiện đang sản xuất đất hiếm được khai thác và chế biến, và cho biết công ty dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất nam châm thương mại tại cơ sở ở Texas vào cuối năm nay. Công ty này đã có thỏa thuận cung cấp nam châm với General Motors và công ty Vacuumschmelze của Đức.

Thỏa thuận được công bố ngày 15/7 này đảm bảo cho Apple một nguồn cung cấp đất hiếm và nam châm ổn định, không phụ thuộc vào Trung Quốc - nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích cho rằng, đối với Apple, chi phí để hỗ trợ sản xuất nam châm tại Mỹ là không đáng kể so với rủi ro dài hạn về việc có thể mất hoàn toàn quyền tiếp cận các linh kiện quan trọng này.

Tuần trước, MP đã đồng ý một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ, theo đó Lầu Năm Góc sẽ trở thành cổ đông lớn nhất và là chỗ dựa tài chính cho MP. Bà Gracelin Baskaran, Giám đốc chương trình an ninh khoáng sản thiết yếu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng sự sở hữu của chính phủ luôn là một sự tín nhiệm rất lớn, và các công ty sẵn sàng trả giá cao để có được một chuỗi cung ứng đáng tin cậy và không gián đoạn.

Trong một tuyên bố, CEO của Apple, ông Tim Cook, cho biết các vật liệu đất hiếm rất cần thiết để tạo ra công nghệ tiên tiến, và mối quan hệ đối tác này sẽ giúp tăng cường nguồn cung các vật liệu quan trọng này ngay tại Mỹ.

Ông Bob O'Donnell, Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường TECHnalysis Research, nhận định động thái trên là hoàn toàn hợp lý, vì Apple cần một lượng lớn nam châm đất hiếm cho các thiết bị của mình. Ông nói thêm rằng việc tập trung vào một nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ cũng giúp Apple có được hình ảnh tích cực hơn tại Washington.

Apple cho biết, thỏa thuận này là một phần trong cam kết đầu tư 500 tỷ USD trong vòng 4 năm vào Mỹ. Công ty đã phải đối mặt với các lời đe dọa từ Tổng thống Trump về việc iPhone không được sản xuất tại Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng việc sản xuất iPhone tại Mỹ là không khả thi do các nguyên nhân về chi phí lao động và chuỗi cung ứng điện thoại thông minh hiện có.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/apple-chi-nua-ty-usd-xay-dung-chuoi-cung-ung-dat-hiem-tai-my-20250716123745211.htm