Bài 1: Trên mỗi vé máy bay có bao nhiêu loại thuế, phí?

Giá vé máy bay tăng cao trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành nghề kinh doanh cũng như người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do giá vé máy bay phải 'cõng' quá nhiều loại thuế, phí. Vậy, thực chất thuế, phí có phải là nguyên nhân của thực trạng này và thuế phí, đóng vai trò như thế nào trong cấu thành giá vé máy bay?

Giá vé máy bay tăng mạnh từ đầu năm 2024.

Giá vé máy bay tăng mạnh từ đầu năm 2024.

Giá vé tăng cao so với cùng kỳ

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam gửi tới Bộ Giao thông Vận tải vào đầu tháng 5/2024 về tình hình giá vé máy bay nội địa 4 tháng đầu năm 2024, giá vé nhiều chặng bay đã có sự thay đổi đáng kể. Đơn cử như: đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

Hay như đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), Vietjet Air xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%). Đối với đường bay từ Hà Nội - Nha Trang, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2 triệu đồng (tăng 7%), Vietjet Air khoảng 1,55 triệu đồng (tăng 39%), Bamboo Airways khoảng 1,45 triệu đồng (tăng từ 3%).

Mức giá vé máy bay vào dịp hè (từ tháng 6 đến tháng 8) cũng không kém cạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đầu tháng 6, chị Quỳnh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm vé máy bay chặng Hà Nội – Nha Trang để cả gia đình đi du lịch. Đặt trên trang web của Hãng hàng không Vietjet Air, với tuyến bay từ Hà Nội đến Nha Trang ngày 14/6, giá vé (chưa bao gồm thuế, phí) dao động từ 1.990.000 đồng – 4.090.000 đồng cho các chuyến bay và hạng vé.

Như vậy, theo tính toán của chị Quỳnh Anh, với chuyến bay rẻ nhất thì tổng số tiền chi cho vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội – Nha Trang – Hà Nội vào thời điểm cuối tuần giữa tháng 6 cho gia đình 4 người sẽ vào khoảng 20 triệu đồng tiền vé máy bay (sau khi có thuế, phí dịch vụ). Còn với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Airlines hay Hãng Bamboo Airways, chi phí cho vé máy bay của gia đình chị sẽ lên đến 30-40 triệu đồng.

“Với giá vé máy bay này, chi phí dành cho chuyến du lịch chỉ vỏn vẹn 3-4 ngày sẽ rất cao. Thế nên thay vì tốn tiền vào vé máy bay, tôi quyết định không đi du lịch tới Nha Trang bằng phương tiện máy bay nữa mà chuyển hướng du lịch tại các tỉnh phía Bắc với phương tiện di chuyển là ô tô. Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho gia đình”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Thực tế trong thời gian gần đây, giá vé máy bay tăng “nóng” đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành và người dân. Vậy, nguyên nhân khiến vé may bay tăng cao là do đâu?

Thuế, phí không làm giá vé máy bay tăng cao

Hiện nay, không ít ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng là do giá vé phải “gánh” khá nhiều loại thuế, phí. Theo thống kê, hiện tại giá vé máy bay của các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Đơn cử, với trường hợp gia đình chị Quỳnh Anh, khi mua hạng vé Eco chặng Hà Nội – Nha Trang của Vietjet Air ngày 14/6, phía đơn vị bán vé liệt kê chi tiết từng khoản thu như sau: Giá vé là 1.990.000 đồng; thuế, phí là 583.400 đồng (bao gồm: Phụ thu dịch vụ hệ thống quốc nội: 215.000 đồng; phụ thu quản trị hệ thống: 215.000 đồng; phí sân bay quốc nội: 99.000 đồng; phí an ninh soi chiếu: 20.000 đồng; thuế giá trị gia tăng: 34.400 đồng).

Qua tìm hiểu của phóng viên, khi mua vé máy bay, khách hàng phải trả các loại chi phí gồm: Giá vé (hãng hàng không thu); thuế giá trị gia tăng (tính trên giá vé); phí quản trị (hãng hàng không thu); phí dịch vụ sân bay; phí soi chiếu an ninh (do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thu); phụ thu dịch vụ xuất vé/phí thanh toán (hành khách trả cho hãng hàng không hoặc đại lý bán vé tùy vào hình thức mua vé).

Theo quy định, hiện nay có 3 sắc thuế tác động đến giá vé máy bay dịch vụ vận tải hàng không gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, các sắc thuế này được thực hiện ổn định nhiều năm và một số sắc thuế còn được điều tiết giảm.

Cụ thể, thuế GTGT giảm từ 10 % xuống 8% đối với dịch vụ vận tải hàng không trong nước. Riêng thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm đến 70% )từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.000 đồng/lít) từ ngày 11/7/2022 đến nay.

Về thuế nhập khẩu, mặt hàng xăng máy bay, nhiên liệu bay thuộc nhóm 2710 được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nhiên liệu bay là mặt hàng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên không làm tăng chi phí vận hành của hãng hàng không; trong khi các loại xăng khác phục vụ các dịch vụ vận tải thông thường phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định (thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, Xăng E5 là 8%).

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016, mức phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không là 165.000 đồng/lượt/chuyến bay đối với dịch vụ đảm bảo hoạt động bay; 335.000 đồng/lượt dịch vụ kinh doanh cảng hàng không đối với mỗi chuyến bay, mỗi lần hạ cất cánh.

Như vậy, có thể thấy, các sắc thuế nêu trên đã được thực hiện ổn định và không tăng qua các năm mà ngược lại một số sắc thuế còn được điều chỉnh giảm theo từng thời kỳ. Các loại thuế, phí thuộc do Nhà nước thu không phải là nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay tăng cao thời gian gần đây.

Ngoài ra, Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải đã quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định mức giá: Dịch vụ điều hành bay đi, đến; Dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; Dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay; Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; Dịch vụ phục vụ hành khách.

Thứ hai, dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định khung giá: Dịch vụ thuê sân đậu tàu bay; Dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách; Dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý; Dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; Dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (đối với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói); Dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; Dịch vụ sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay; Dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không.

Thứ ba, dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá: Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách; Dịch vụ cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa; Dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách.

Được biết, Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT được Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 31/12/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2020. Hiện nay chưa có văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế nên mức thu luôn ổn định từ năm 2020 đến nay. Như vậy, có thể thấy, các loại thuế và các loại phí dịch vụ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quy định không phải là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng.

Về phí dịch vụ thuộc thẩm quyền của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), có 2 mục là giá phục vụ hành khách và giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý các hãng hàng không thu hộ ACV. Quy định này cũng đã được thực hiện ổn định từ nhiều năm.

Từ những quy định trên có thể thấy, mức thuế, phí dịch vụ áp dụng trên giá vé máy bay đã được thực hiện ổn định trong những năm qua và không hề có biến động. Do vậy, có thể khẳng định đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian gần đây.

(Còn nữa)

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-1-tren-moi-ve-may-bay-co-bao-nhieu-loai-thue-phi.html