Bài 5: Vận dụng kinh nghiệm quốc tế để lành mạnh hóa thị trường xăng dầu
Kinh nghiệm từ quốc tế sẽ là nguồn tham khảo quan trọng giúp Việt Nam xây dựng chính sách phù hợp để chống lãng phí, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu.
Xăng dầu từ lâu đã được xem là huyết mạch của nền kinh tế, là yếu tố quyết định cho sự vận hành ổn định của mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống. Do đó, việc quản lý kinh doanh xăng dầu không chỉ đòi hỏi sự chặt chẽ mà còn cần tính minh bạch, công bằng và hiệu quả để qua đó có thể giúp tránh lãng phí, chống tiêu cực. Kinh nghiệm quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ là nguồn tham khảo quan trọng giúp Việt Nam xây dựng chính sách phù hợp nhằm ổn định thị trường, chống thất thoát, lãng phí, đảm bảo lợi ích quốc gia.
Quản lý chặt chẽ và thống nhất
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), các nước phát triển và đang phát triển đều rất chú trọng vào vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết và kiểm soát thị trường xăng dầu. Các nước thường áp dụng các chính sách tổng thể nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế. Những chính sách này bao gồm quản lý quyền kinh doanh, áp dụng chính sách giá và thuế phù hợp, cũng như đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu.
Tại nhiều quốc gia, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả các công ty nước ngoài, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt và thống nhất các quy định pháp luật, từ việc đăng ký quyền kinh doanh cho đến các yêu cầu về chất lượng và giá cả. Điều này giúp tạo lập một thị trường trật tự và công bằng, hạn chế những tác động tiêu cực từ cạnh tranh không lành mạnh hoặc gian lận thương mại.
Một ví dụ điển hình là các quốc gia như Nhật Bản, quốc đảo này đặc biệt không có tài nguyên dầu mỏ, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Mặc dù thường xuyên gánh chịu thiên tai, tuy nhiên quốc gia này lại đạt được những thành công trong phát triển thị trường xăng dầu.
Một trong những nguyên nhân xuất phát từ khả năng quản lý kinh doanh xăng dầu và ứng phó hiệu quả những rủi ro. Trong quản lý giá xăng dầu, Chính phủ Nhật Bản can thiệp sâu rộng và chặt chẽ. Nhiều đạo luật được ban hành như Luật Kinh doanh xăng dầu, Luật Doanh nghiệp phát triển dầu khí,… chi phối mạnh mẽ hoạt động của các công ty xăng dầu.
Các nội dung chính trong điều hành giá xăng dầu của Nhật Bản bao gồm: Thống nhất quản lý thông qua Bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản. Nhà nước quản lý giá sản xuất cũng như giá bán lẻ, điều tiết lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu; kiểm soát nguồn cung dầu thô đầu vào cho các nhà máy lọc dầu, hạn ngạch sản xuất đầu ra, thậm chí kiểm soát cả quy mô, đầu tư mới, đầu tư mở rộng các nhà máy lọc dầu, các trạm xăng, cây xăng.
Trong khi đó với một nước có nguồn cung dầu lớn như: Hoa Kỳ, Chính phủ nước này cũng có những quy định rất chặt chẽ cho một thị trường tự do, minh bạch.
Đặc điểm cơ bản của ngành xăng dầu Hoa Kỳ là ngành này bao gồm một số lượng lớn các doanh nghiệp, nhưng quy mô các doanh nghiệp rất khác nhau. Tuy vậy, Hoa Kỳ không hạn chế việc tham gia thị trường và quyền kinh doanh bao gồm cả quyền nhập khẩu và quyền phân phối.
Nhưng song song với đó, Chính phủ Hoa Kỳ quy định phải có sự tách biệt giữa hoạt động lọc dầu và hoạt động bán lẻ. Quy định này đã buộc các công ty khai thác dầu mỏ phải cho thuê các trạm bơm xăng cho các nhà vận hành độc lập khi có nguy cơ thống lĩnh thị trường và nhằm hạn chế các hành vi phi cạnh tranh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân nắm giữ lĩnh vực từ lọc dầu đến nhập khẩu và cả phân phối sản phẩm xăng dầu, giá được thị trường quyết định, tuy nhiên vẫn có sự can thiệp ở mức tối thiểu của Chính phủ. Điều này giúp giá sản phẩm xăng dầu tại nước này thay đổi cùng nhịp với giá sản phẩm xăng dầu thế giới. Tuy vậy, việc này không có nghĩa là thị trường xăng dầu Hoa Kỳ hoàn toàn không có sự quản lý của Chính phủ. Các doanh nghiệp vẫn phải tuân theo các quy định chung về bảo vệ người tiêu dùng và chống các hành vi phi cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nộp các loại thuế, tuân thủ các quy định về môi trường, an toàn và các quy định khác.
Ở Trung Quốc, quốc gia vừa sản xuất, xuất khẩu lại vừa nhập khẩu xăng dầu hàng đầu thế giới nên luôn phải áp dụng những biện pháp quản lý giá xăng dầu rất chặt chẽ. Tại nước này chỉ 2 doanh nghiệp của Nhà nước là Tổng công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty Xăng dầu - Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) được quyền kinh doanh và phân phối xăng dầu. Khi mặt hàng này được phân phối ra, mỗi cửa hàng sẽ chỉ được nhận hàng ở một đầu mối trong 2 doanh nghiệp kể trên, theo đúng quy trình kiểm soát của nhà nước. Bên cạnh đó, các cây xăng nhỏ lẻ cũng phải đáp ứng các quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn kho chứa hay quy định cấm dự trữ mà Chính phủ đề ra.
Kinh nghiệm quốc tế từ sàn giao dịch xăng dầu
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, có 3 hình thái sàn giao dịch xăng dầu. Trong đó, hình thái Sở giao dịch hàng hóa theo thông lệ quốc tế (giao dịch nhiều mặt hàng khác nhau, trong đó có xăng, dầu) do có liên thông giao dịch với thế giới nên sẽ giúp giải quyết nhu cầu giao thương hàng hóa từ thị trường trong nước ra các thị trường tiềm năng trên toàn thế giới. "Hình thái này cũng khắc phục được những bất cập của thị trường không được liên thông và hình thành một thị trường giao dịch hàng hóa hội tụ nhiều ưu điểm"- PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Tại đây các đơn vị có thể thực hiện giao dịch mua bán với thị trường quốc tế chứ không phải chỉ là phục vụ nhu cầu mua, bán xăng dầu thành phẩm của các thương nhân trong nước.
Ví dụ điển hình là sự phát triển của các sàn giao dịch xăng dầu tại nhiều quốc gia như Mỹ (Sàn giao dịch hàng hóa New York - NYMEX), Trung Quốc (sàn dầu thô Thượng Hải - INE), Singapore và Malaysia. Các nước đã xây dựng các sàn giao dịch hiện đại để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Tại Singapore, sàn giao dịch xăng dầu đóng vai trò trung tâm trong khu vực châu Á, nơi các giao dịch dầu thô và sản phẩm lọc dầu được thực hiện với mức độ minh bạch cao. Các cơ chế định giá tại đây được công bố rõ ràng, dựa trên biến động của thị trường toàn cầu, giúp hạn chế gian lận và đảm bảo lợi ích cho cả nhà cung cấp lẫn người tiêu dùng.
Khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư
Một điểm khác của nhiều thị trường xăng dầu trên thế giới là sự cởi mở và khuyến khích cạnh tranh quốc tế. Các quốc gia như: Mỹ, Đức và Singapore cho phép nhiều công ty nước ngoài tham gia vào khâu bán buôn và bán lẻ, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, các tập đoàn dầu khí quốc gia thường được tổ chức dưới hình thức công ty tổng hợp, đảm nhận tất cả các khâu từ thăm dò, khai thác, chế biến đến phân phối. Mô hình này không chỉ tối ưu hóa nguồn lực mà còn giúp kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng sản phẩm.
Tại nhiều nước, các công ty dầu khí lớn thường là công ty cổ phần, trong đó nhà nước giữ tỷ lệ cổ phần nhất định để chi phối ở những khâu quan trọng. Điều này đảm bảo sự ổn định và quyền kiểm soát của chính phủ đối với các lĩnh vực chiến lược, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân để tăng hiệu quả hoạt động.
Áp dụng khéo léo từ kinh nghiệm quốc tế
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Chính phủ các nước thường can thiệp ít nhiều vào thị trường xăng dầu, mức độ và phạm vi can thiệp tùy thuộc vào tầm quan trọng của xăng dầu đối với nền kinh tế, vào sự phát triển kinh tế và các mục tiêu mà Chính phủ theo đuổi. Việt Nam cần học hỏi và điều chỉnh chính sách quản lý kinh doanh xăng dầu sao cho phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển kinh tế trong nước.
Trước tiên, việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu cần được thống nhất và chặt chẽ hơn các hoạt động kinh doanh xăng dầu cả với công ty trong nước cũng như các công ty nước ngoài, bảo đảm một môi trường kinh doanh bình đẳng và có trật tự theo luật pháp của mỗi nước.
Nhà nước cũng nên tăng cường vai trò kiểm soát trong việc cấp phép kinh doanh. Theo đó, phải khống chế lại quyền của thương nhân, không được ký hợp đồng tràn lan và chỉ được ký tối đa 2 doanh nghiệp đầu mối, nhằm tránh tình trạng mua bán lòng vòng, khó kiểm soát nguồn cung.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ cần sát với biến động của thị trường thế giới. Theo các chuyên gia, giá bán lẻ quá thấp và chính sách chiết khấu không hợp lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thua lỗ và khan hiếm cục bộ. Do đó, một cơ chế giá linh hoạt hơn sẽ giúp giải quyết các bất cập, tiêu cực, bảo đảm sự ổn định lâu dài cho thị trường.
Về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu, theo phân tích từ PGS.TS Ngô Trí Long, việc này có thể mang lại nhiều lợi ích như tăng tính minh bạch cho thị trường, nhưng cũng đi kèm với những thách thức đáng kể. Để đảm bảo thành công thì việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu, điều trước tiên phải tạo lập được thị trường xăng dầu cạnh tranh đầy đủ, không còn những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, khi đó giá cả trên thị trường do thị trường quyết định. Từ đó có lộ trình, bước đi thích hợp...
Cuối cùng, về mặt tổ chức thị trường, Việt Nam có thể cân nhắc mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế, đồng thời khuyến khích các tập đoàn xăng dầu trong nước đầu tư vào chuỗi cung ứng khép kín từ khai thác, chế biến đến phân phối. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, sự can thiệp đúng mức của Nhà nước là yếu tố quyết định để quản lý kinh doanh xăng dầu một cách hiệu quả. Đối với Việt Nam, việc học hỏi và áp dụng các bài học này không chỉ giúp ổn định thị trường, chống tiêu cực, lãng phí mà còn mang lại lợi ích bền vững cho nền kinh tế và đời sống nhân dân.