Bài cuối: Giỏi nghề thôi, chưa đủ...!

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó có mỹ thuật, đòi hỏi phải xây dựng lực lượng nghệ sĩ đông đảo, có chuyên môn, giàu sức sáng tạo, tư duy mới, mạnh dạn tham gia thị trường nghệ thuật quốc tế.

Hệ sinh thái nghệ thuật rộng mở

Quan sát thị trường nghệ thuật những năm qua, có thể thấy bên cạnh nỗ lực của nghệ sĩ và khả năng tự định vị bản thân thì hệ sinh thái nghệ thuật trong nước đang hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sáng tác và phát triển sự nghiệp của nghệ sĩ.Từ nghiên cứu thực tế, giám tuyển Ace Lê cho biết, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang có nhiều biến đổi rõ rệt. Những năm 1990, 90% là nhà sưu tập quốc tế, chỉ 10% là nhà sưu tập trong nước, chủ yếu sưu tập tranh, tượng truyền thống trưng bày trong nhà. Hiện nay, tỉ lệ này phát triển theo chiều đảo ngược, với 70% nhà sưu tập trong nước và loại hình sưu tập cũng ngày càng đa dạng, phong phú.

Phát triển mỹ thuật Việt đòi hỏi lực lượng nghệ sĩ đông đảo, giàu sức sáng tạo, mạnh dạn tham gia vào thị trường nghệ thuật khu vực và quốc tế. Nguồn: AAL

Phát triển mỹ thuật Việt đòi hỏi lực lượng nghệ sĩ đông đảo, giàu sức sáng tạo, mạnh dạn tham gia vào thị trường nghệ thuật khu vực và quốc tế. Nguồn: AAL

“Điều này giúp nghệ sĩ Việt có lợi thế hơn, dễ dàng đối thoại với tệp khán giả trong nước và thêm tự tin định hình bản sắc. Hơn nữa, trên các sàn đấu giá, mặt bằng chung các tác phẩm hội họa đương đại của nghệ sĩ Việt Nam đang có mức giá thấp hơn so với nghệ sĩ trong khu vực, là điều kiện để giới nghệ sĩ Việt nhận được sự chú ý, ủng hộ cao hơn từ phía các nhà sưu tập. Tuy nhiên, khi cơ hội rộng mở, bản thân nghệ sĩ phải chú trọng kỹ năng chuyên môn và trau dồi nhiều yếu tố khác”, giám tuyển Ace Lê nói.

Giám đốc nền tảng trực tuyến về văn hóa và nghệ thuật Hanoi Grapevine Trương Uyên Ly cũng chỉ ra cộng đồng nghệ thuật hiện nay có rất nhiều cơ hội giao lưu quốc tế. Nhiều năm trước, khán giả truy cập nền tảng trực tuyến Hanoi Grapevine chủ yếu là người nước ngoài. Hiện nay, số lượng truy cập ấy vẫn tăng đều nhưng có sự dịch chuyển với đa số là người Việt, phần lớn thuộc lứa tuổi từ 18 - 50. Điều này cho thấy mối quan tâm ngày càng cao của khán giả, nhất là khán giả trong nước đối với hoạt động nghệ thuật, văn hóa Việt Nam.

Cùng với hoạt động nghệ thuật đương đại đang ngày càng nhộn nhịp, các không gian văn hóa nghệ thuật cũng đều đặn tổ chức triển lãm, talkshow… tạo cơ hội cho nghệ sĩ đưa tác phẩm đến với công chúng. Những dự án thực hành nghệ thuật, triển lãm xuyên quốc gia… thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia. Nhiều cuộc thi mỹ thuật ra đời với mục tiêu bắc nhịp cầu cho nghệ sĩ đến được cộng đồng nghệ thuật thế giới.

“Rõ ràng, nền tảng hỗ trợ nghệ sĩ đang vận hành theo cách chuyên nghiệp và bài bản hơn. Khi thể hiện tốt hơn tác phẩm và quá trình sáng tạo của mình, nghệ sĩ sẽ ngày càng có nhiều cơ hội bước ra thế giới”, bà Trương Uyên Ly nhận định.

Thoát khỏi vùng an toàn

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhận xét, thế hệ họa sĩ hiện nay rất tự tin, bản lĩnh, góc nhìn mới mẻ. Trên sân nhà, họ đã bộc lộ tài năng với những thể nghiệm mới. Tuy nhiên, để cạnh tranh với thị trường quốc tế thì người trẻ còn thiếu sự xả thân với nghệ thuật. “Bên cạnh sự hỗ trợ của các nền tảng xã hội, tình yêu với nghệ thuật, trải nghiệm cuộc sống, quan sát xã hội, cảm nhận thiên nhiên... nghệ sĩ cần trang bị nền tảng kiến thức về mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung, quan niệm về đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các nghệ sĩ phải thử thách mình hơn 100% ở tư duy mới. Chìa khóa thành công luôn gắn với những nghệ sĩ chân chính có tâm hồn, có nội lực”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa nói.

Dẫn chứng về nhóm nghệ sĩ mỹ thuật Đông Nam Á (Asia Art Link - AAL), họa sĩ Trịnh Tuân nhấn mạnh bên cạnh chuyên môn, ngoại ngữ là yếu tố quan trọng để nghệ sĩ Việt tự tin bước ra thị trường quốc tế. Họa sĩ Trịnh Tuân cho biết khi mới thành lập năm 2005, Asia Art Link gặp nhiều khó khăn nhưng đã sớm được định hình trở thành một cộng đồng nghệ thuật để nghệ sĩ có môi trường giao lưu, trao đổi và hợp tác. Đến nay, Asia Art Link tổ chức nhiều triển lãm, workshop quốc tế tại Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ Latin. Từ trường hợp của Asia Art Link cho thấy ngoài chuyên môn, để vững bước “ra khơi”, nghệ sĩ còn cần thêm những hoạt động kết nối, giao lưu trong các cộng đồng mang tính quốc tế.

Nói rộng ra, làm nghệ thuật để có thể phát triển vững chắc, nghệ sĩ phải tham gia vào hệ sinh thái nghệ thuật như giám tuyển, phòng tranh, không gian nghệ thuật, truyền thông… Những điều này cần sự dẫn dắt, hỗ trợ, thúc đẩy bởi Nhà nước, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, nhưng trước hết phải đến từ nội lực của chính nghệ sĩ. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều nghệ sĩ được trao cơ hội tham gia chương trình triển lãm, lưu trú ở nước ngoài nhưng do không biết ngoại ngữ, không có khả năng diễn đạt tác phẩm nên bị hạn chế khi giao lưu, kết nối với giới nghệ sĩ, nhà sưu tầm, nhà hoạt động nghệ thuật quốc tế, dần đánh mất cơ hội sau này.

Theo họa sĩ Trịnh Tuân, “để có thể bước ra khỏi nơi mà ta đã quá quen thuộc và an toàn, phải có kiến thức về nơi định đến, định đi và phải biết nơi đó yêu cầu chúng ta những gì. Đồng thời, cần hiểu rằng tại đó có thử thách và có cả lực đẩy giúp nghệ sĩ bước ra khỏi vùng làm việc quen thuộc của mình”.

Hay như cách nói của họa sĩ Trịnh Minh Tiến, mỗi nghệ sĩ cần tìm cách “thoát ra khỏi chiếc kén của bản thân” để sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật: “Mỗi nghệ sĩ đều có thể tự tìm cho mình một câu chuyện nghệ thuật bằng chất liệu, tư duy riêng. Nhưng chúng ta cần hướng mình ra ngoài nhiều hơn, để khai mở tư duy và mở rộng nhãn quan”.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-cuoi-gioi-nghe-thoi-chua-du-i376928/